Lưu bỏ chồng, nhận nuôi con vì sĩ diện nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã bộc lộ bản chất. Cho rằng đứa con nhỏ chính là vật cản để không thể đi đến với nhân tình, Lưu nghĩ cách giết con.
Người đàn bà có đôi mắt lá răm
Mười năm sẽ chỉ như cái chớp mắt với những ai hăng say làm việc, lúc nào cũng cảm thấy thời gian là không đủ với mình. Thế nhưng từng ấy thời gian lại là một quãng đường khá dài nhất là với những người đếm từng ngày trôi qua.
Với Dương Thị Lưu (SN 1977, ở Lạng Sơn) thì 10 năm qua, chưa khi nào chị ta cảm thấy thời gian trôi nhanh, nhất là đêm đến. Tiếng côn trùng rỉ rả, thỉnh thoảng lại nấc lên như ai đó thở dài trong khi tiếng đồng hồ tích tắc cứ đều đặn một cách không mệt mỏi khiến Lưu cảm giác thời gian sao mà chậm quá đỗi.
|
Phạm nhân Dương Thị Lưu đang viết những dòng sám hối.
|
Đã 10 năm trôi qua kể từ cái ngày cùng nhân tình ra tay sát hại con đẻ, mỗi ngày qua đi là một ngày Dương Thị Lưu day dứt ân hận. Nhất là những khi màn đêm chập choạng, chị ta lại nhớ con da diết bởi thường thì vào giờ đó, cậu con trai bé bỏng lại nũng nịu đòi mẹ cho ăn cơm. Giờ thì Lưu mới có dịp nhớ lại để rồi đau đớn chứ ngày đó chị ta nào nghĩ ra.
Chỉ vì mê muội với nhân tình mới, Lưu đã lập kế hoạch giết đứa bé vô tội ấy để giờ đây dù đã phải trả giá bằng bản án chung thân thì mỗi khi xuất hiện ở đâu, Lưu đều cảm thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt khinh rẻ.
Nắng giữa hè bỏng rát vậy mà tôi thấy mặn đắng bờ môi khi nghe trung tá Nguyễn Văn Kiều, Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Xuân Nguyên, kể về một cô giáo phạm tội giết con, từ ngày vào trại giam luôn tỏ ra bướng bỉnh, bất cần. Phải chăng người đàn bà này vì chẳng còn gì để bấu víu ở đời nên cảm thấy cuộc đời đắng chát hay đó chỉ là sự cứng cỏi bề ngoài để che đi sự tuyệt vọng, yếu đuối trong tâm khảm.
Không biết lý do nào đúng song tôi vẫn muốn gặp người phụ nữ ấy. Chị ta xuất hiện với thái độ dè chừng, nghi hoặc để rồi trước những câu thăm hỏi rất chân tình của tôi, người mẹ tội lỗi ấy đã òa khóc như thể tìm thấy sự đồng cảm của những người cùng giới.
Lưu là một cô giáo cấp 2 của một huyện vùng cao tỉnh Lạng Sơn, không xinh nhưng lại hút hồn người khác bằng đôi mắt lá răm sắc lẹm. 21 tuổi, cô quyết định lấy một người đàn ông, không giàu cũng không nghèo, làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ.
Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng của Lưu khá yên ấm với niềm hạnh phúc nho nhỏ là chiều chiều lại bỏ những đồng tiến kiếm được ra tính toán lỗ lãi rồi kết thúc một ngày làm việc trong tiếng cười vui vẻ hay xuýt xoa, tiếc rẻ.
Rồi đứa con trai Dương Công Lân ra đời, người vợ trẻ bắt đầu cảm thấy cuộc sống gia đình đầy áp lực với chuyện cơm áo, gạo tiền trong khi số tiền chồng mang về ngày một ít đi vì làm ăn ngày một khó. Là vợ, đáng ra Lưu phải nhẫn nại và vun vén chi tiêu tùng tiệm thì đôi mắt lá răm của Lưu lại bắt đầu ngúng nguẩy, tìm sự chia sẻ ở người bên ngoài.
Những ức chế trong cuộc sống của cô giáo này rồi cũng tìm được người để san sẻ. Kết quả là Lưu ngoại tình và chị ta thường vẽ ra thêm những công việc ở trường, ở lớp để có thời gian vui vẻ bên người tình.
Chỉ là người buôn bán đơn thuần, từ trước đến giờ quen sống đơn giản song những cử chỉ lạnh nhạt của vợ, sự thay đổi về tâm tính của người đàn bà một con như Lưu cũng khiến anh chồng linh cảm thấy những khác thường. Con trai chưa đầy 3 tuổi, vợ chồng Lưu kéo nhau ra tòa. Sợ tai tiếng và một phần vì có thu nhập ổn định, Lưu được giao quyền nuôi dạy con trai.
Giết con để “thoải mái” với người tình
Người đời thường nói “không có bố thì ăn cơm với cá chứ không có mẹ chỉ liếm lá gặm xương”, cứ tưởng một cô giáo như Lưu, dù có đi ngang về tắt thì con cái vẫn là tài sản thiêng liêng, không thứ gì đổi được, thế nhưng điều không tưởng đã xảy ra.
Ba tháng sau kể từ ngày ký vào biên bản ly hôn tại tòa, Lưu rước nhân tình về chung sống trong khu tập thể của giáo viên, bất chấp những lời gièm pha, dị nghị. Người đàn ông mà Lưu nặng tình đến quên hết tất cả ấy là Dương Công Thanh, người cùng xã Quỳnh Sơn, hơn cô đến chục tuổi.
Những ngày chung sống trong căn phòng tập thể chật chội, ba người trên một chiếc giường nên nhiều khi Thanh cảm thấy bí bách, không được tự nhiên bày tỏ tình cảm với người yêu vì sợ cháu Lân thức giấc. Đã có lần Thanh ra điều kiện với Lưu rằng muốn tình yêu của hai người đi đến hôn nhân thì cháu Lân không được hiện diện trong căn buồng của họ. Yêu đến ngu muội, lú lẫn, Lưu chẳng nghĩ ra được kế sách gì ngoài việc giết chết con mình.
- Sao em không đưa con về cho bố nó nuôi mà làm hại đứa trẻ? - Tôi hỏi Lưu vì không nghĩ một người có nhận thức, học thức, hàng ngày vẫn đứng trên bục cao, rao giảng những điều đạo đức cho các em học sinh, chỉ vì muốn lấy lòng người đàn ông mới mà quyết tâm sát hại đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra. Lưu cúi mặt, lặng im rồi biết không thể tránh được câu trả lời, chị ta khẽ đáp: “Tại lúc đó em không muốn mang tiếng vì nhân tình mà bắt con về sống với bố nên mới bày đặt ra chuyện con chết đuối”.
Để lôi kéo nhân tình cùng mình thực hiện tội ác, Lưu viết một bức thư, giả danh ông chú họ xúi giục Lưu giết cháu Lân rồi cho Thanh xem. Tưởng thật và cũng vì muốn con riêng của nhân tình không “phá đám” chuyện yêu đương của anh ta, người đàn ông này đã bàn với Lưu một kế hoạch đê hèn.
Họ bàn nhau sẽ dàn dựng một vụ chết đuối mà cháu Lân sắm vai chính. Tuy nhiên vì cháu Lân biết bơi nên để cậu bé này chết đuối, hai kẻ không còn tính người này bàn nhau cho bé Lân uống thuốc ngủ.
Sau khi bàn bạc, Thanh đi mua thuốc ngủ đưa cho Lưu nghiền nhỏ rồi hòa vào nước. Nghe mẹ gọi vào cho uống “thuốc bổ”, cậu bé 5 tuổi đang chơi ngoài sân, chạy ào vào nhà, hồn nhiên cầm chén thuốc uống. Ít phút sau, Lân đòi mẹ cho ăn cơm. Lưu đáp ứng ngay với suy nghĩ tiễn con sang thế giới bên kia làm một con ma no. Chị ta lấy cơm cho con ăn nhưng vì ngấm thuốc ngủ được mẹ cho uống trước đó nên đứa trẻ ăn chưa hết bát cơm thì díp mắt lại.
Lân trèo lên giường ngủ và chỉ chờ có thế, hai kẻ sát nhân liền bế đứa trẻ tội nghiệp đi tắt qua bờ ruộng đến chỗ mương nước mà cháu Lân hay tắm, cách nhà 150m, thả xuống. Vì thuốc ngủ chưa ngấm sâu nên khi vừa chạm nước lạnh, cháu Lân bừng tỉnh vùng vẫy, la hét.
Thanh nhảy xuống, tóm gáy đứa trẻ vô tội, dìm mặt cháu xuống nước. Sau khi chắc chắn cháu lân đã chết, hai kẻ tội đồ về nhà, giả vờ kêu khóc tìm con. Chúng nhờ láng giềng cùng tìm hộ và chưa đầy tiếng sau, mọi người sững sờ khi phát hiện cháu Lân nằm chết dưới mương nước. Lo tang lễ cho con xong cũng là lúc người mẹ sát nhân bị bắt.
Vĩ thanh
Có những kẻ ác dù có xử ở mức cao nhất cũng chưa đủ đền tội song cũng có tội ác không cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội, thế nhưng dù thoát chết song lại phải sống trong đau đớn, dằn vặt. Với Lưu là như vậy. Không phải dựa cột như nhân tình nhưng mỗi ngày qua đi là một ngày Lưu sống trong khắc khoải, ân hận giày vò.
Gần chục năm rồi, Lưu chưa có lấy một giấc ngủ yên bởi cứ chập choạng tối là chị ta lại nghe văng vẳng bên tai tiếng đòi cơm của đứa con nhỏ. Rồi cảnh chị ta đứng trên bờ mương, vô cảm nhìn nhân tình dìm con mình xuống làn nước đục, không một biểu hiện nào của sự xót thương hay bản năng người mẹ thức tỉnh.
Lưu như mụ mẫm với ý nghĩ giết con để sống trọn đời với người tình. Thế nên khi chị ta bảo cuộc đời mình coi như hết rồi, sống để cho đau đớn gặm nhấm tâm hồn, chúng tôi có cảm giác Lưu sống là để tồn tại chứ nào còn ý nghĩa gì nữa. Cô không mong sự tha thứ của người đời, càng không mong được người thân thương hại, chỉ biết mỗi đêm còn trở dậy đi làm nghĩa là vẫn đang tồn tại.
Ai đó từng nói chết chưa chắc đã hết và có những cuộc đời sống mà như không sống, còn nặng nề, dằn vặt hơn cả là cái chết. Với cô giáo vùng cao này, cuộc sống với chuỗi ngày ám ảnh cứ thế chầm chậm trôi qua như một sự đày ải.
>> Clip cô giáo rượt đánh và dọa chém nữ sinh trong lớp
>> Cô giáo mầm non dùng dập ghim dập tai học sinh giờ nghỉ trưa
>> Nữ sinh lớp 6 tử vong sau khi bị cô giáo đánh bằng "1 nắm thước kẻ"
Theo Nguyễn Vũ (Nguoiduatin.vn)