Những vụ án “vô tiền khoáng hậu”
Bê từng chồng hồ sơ liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên bàn, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) không giấu được những bức xúc, giận giữ và cả lo lắng. Khó có thể liệt kê hết được chi tiết các vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn công nghệ cao, song đại diện Phòng Cảnh sát hình sự vẫn “lôi” ra cho chúng tôi những vụ án mang tính chất điển hình.
Ngày 5-4-2021, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội điều tra vụ án Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, làm rõ 4 đối tượng. Cụ thể, đầu năm 2018, đối tượng Vũ Đình Hùng (SN 1993), Phạm Mạnh Hùng (SN 1993) và Huỳnh Thị Ngân Trang ( SN 1983) đều trú ở TP Hồ Chí Minh, đã cùng bàn bạc lập trang web trên nền tảng phần mềm MetaTraders5 (MT5), kết nối với sàn giao dịch ngoại hối Rforex, sau đó lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư.
Các đối tượng sử dụng kỹ thuật để can thiệp trái phép vào tài khoản của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Đình Hùng được Trang chi tiền mua tên miền www.rforex.com, làm hồ sơ đứng tên đại diện cho Công ty Rforex LTD (có địa chỉ tại London, Vương quốc Anh) để khách hàng tin tưởng là đang chơi với công ty nước ngoài. Sau đó, Đình Hùng thuê sử dụng tài khoản MT5, máy chủ chạy phần mềm MT5, thuê các đối tượng tham gia viết mã nguồn, thiết kế và hoàn thiện giao diện của website http://rforex.com. Bằng nhiều thủ đoạn, từ ngày 16-4 đến 9-11-2020, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền gần 8 tỷ đồng của một phụ nữ ở Khu đô thị Vinhome Thăng Long, An Khánh, Hoài Đức.
Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thu hút nhiều người tham gia. Sau một thời gian, chúng sẽ thông báo sàn giao dịch dừng hoạt động để bảo trì, hoặc bị lỗi không truy cập được, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản hệ thống.
Ngày 26-5-2020, Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đối tượng Chen Feng Hsun (SN 1985, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc), đồng thời khởi tố 4 đối tượng người Việt Nam về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Chen Feng Hyun tham gia và giữ vai trò quan trọng trong một tổ chức tội phạm chuyên nghiệp, có quy mô hoạt động xuyên quốc gia, chủ yếu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chen Feng Hsun thuê 4 bị can người Việt đi gom mua Căn cước công dân (CCCD) hoặc CMND, sau đó thay ảnh của chúng vào rồi đến các ngân hàng để mở tài khoản, đăng ký dịch vụ internet banking. Sau khi chiếm đoạt được tiền, Chen Feng Hsun chuyển khoản tiền cho các bị can qua tài khoản ngân hàng.
Cũng nghiêm trọng không kém là vụ án do Nguyễn Hoàng Việt và Trần Trung Đức (đều ở Hà Nội) gây ra. Đầu năm 2020, khi biết được chính sách của Chính phủ Mỹ về việc hỗ trợ phát tiền cho người dân chi tiêu, mua sắm trong mùa dịch Covid-19 nên Việt và Đức đã thông qua mạng xã hội lấy thông tin cá nhân của các công dân Mỹ.
Sau khi xác định được danh sách người thật, Đức gửi cho Việt để sử dụng thông tin cá nhân của họ truy cập vào trang web của Chính phủ Mỹ nhằm kê khai, đăng ký thông tin cá nhân nhận tiền hỗ trợ. Trong tháng 5-2020, Việt và Đức đã đăng ký khoảng 2.000-3.000 trường hợp công dân Mỹ nhận tiền hỗ trợ, được chấp thuận 60 trường hợp, nhưng Chính phủ Mỹ mới chuyển tiền hỗ trợ cho 25 trường hợp với số tiền 1.200USD/người. Tổng số tiền nhận trên tài khoản của Đức khoảng 600 triệu đồng, nhưng mới kịp nhận được khoảng 200 triệu đồng thì Đức và Việt bị phát hiện.
Nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn công nghệ cao cũng được Công an cấp quận điều tra khám phá. Mới đây, CAQ Bắc Từ Liêm khám phá chuyên án “325Y”, bắt giữ 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an xác định các đối tượng có vai trò rút tiền chiếm đoạt được trong các tài khoản ngân hàng, sau đó chuyển tiền sang Trung Quốc cho đối tượng lừa đảo người nước ngoài. CAQ Bắc Từ Liêm đang tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ vụ án.
Cảnh giác trước những chiêu trò
Nói về các thủ đoạn của tội phạm, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, các đối tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết bạn rồi làm quen với bị hại để tạo sự tin tưởng. Sau một thời gian quen biết, chúng thông báo sẽ gửi quà tặng là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không. Sau đó có đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế,.. yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận được quà. Các đối tượng giả danh tạo ra rất nhiều lý do chưa nhận được quà để bị hại chuyển tiền làm nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp. Khi người bị hại không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, các đối tượng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo... và các số điện thoại đã sử dụng khiến bị hại không thể liên lạc được nữa.
Một thủ đoạn khá cũ đó là giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Nhà nước để lừa đảo nhưng vẫn có không ít bị hại “dính bẫy”. Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao có chức năng giả mạo số điện thoại gọi đến và tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, hoặc có bưu phẩm gửi mà lâu ngày chưa đến nhận, hoặc thiếu nợ ngân hàng, hoặc liên quan đến các vụ án... Sau đó, chúng nối máy cho bị hại nói chuyện với một đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án). Lúc này, các đối tượng thông báo rằng, bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra thì sẽ bị khởi tố. Điều đó khiến bị hại hoang mang, răm rắp làm theo như gì bọn chúng yêu cầu như: cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP hay chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định…
Một thủ đoạn khác là tội phạm lập tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo... hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng ảo của đối tượng. Hoặc chúng gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập để kiểm tra. Kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại, từ đó chúng kiểm soát tài khoản Internet banking và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, hiện nay nguy hiểm nhất là thủ đoạn mồi chài kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối hoặc đầu tư tiền kỹ thuật số. Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook...), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm...
Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thu hút nhiều người tham gia. Sau một thời gian, chúng sẽ thông báo sàn giao dịch dừng hoạt động để bảo trì, hoặc bị lỗi không truy cập được, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản hệ thống.
Theo Hoàng Phong (An Ninh Thủ Đô)