Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên bố hủy bản án sơ thẩm vụ án Lại Thị Hường (ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Trước đó, tòa sơ thẩm phạt Lại Thị Hường 6 tháng tù giam về tội "Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác".
Thế nào là... "có thể"?
Bản án sơ thẩm cáo buộc ngày 14-12-2019, Hường dùng hai tay nắm tóc, giằng co, kéo qua kéo lại với bà H.T.H (ngụ huyện Tân Biên). Hậu quả, bà H. nhập viện điều trị, rồi sẩy thai ngay sau đó. Căn cứ hồ sơ, tòa sơ thẩm nhận định khoảng thời gian từ lúc Hường và bà H. gây gổ đến khi bị hại nhập viện diễn ra liên tục. Bà H. không mắc bệnh hay gặp tai nạn, chịu tác động ngoại lực trước khi vụ việc xảy ra. Kết luận giám định pháp y về thương tích xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích tại thời điểm giám định là 13%. Việc nắm tóc, giằng co với Hường có thể dẫn đến hậu quả bà H. sẩy thai. Do đó, tòa sơ thẩm kết luận hành vi Hường gây ra đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác".
Tại hai phiên tòa, luật sư bào chữa cho rằng kết luận giám định chỉ xác định là "có thể", tức là chưa khẳng định hành động của bị cáo làm nạn nhân sẩy thai. Trước đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan giám định giải thích về kết quả "có thể…". Dù không nhận kết quả trả lời nhưng công an vẫn dùng kết quả giám định làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. "Những điều này gây bất lợi đối với bị cáo. Theo nguyên tắc, cơ quan tiến hành tố tụng cần suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo trong những trường hợp như vậy" - luật sư nhấn mạnh.
Căn cứ diễn biến tại tòa cùng hồ sơ vụ án, tòa phúc thẩm yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm rõ tình tiết bị hại có thai. Đồng thời, việc nắm tóc, giằng co giữa hai người có hay không liên quan đến việc bị hại sẩy thai.
Lọt người phạm tội
Trong vụ án 9 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, tân dược mà TAND TP HCM mới trả hồ sơ, HĐXX sơ thẩm yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nhiều tình tiết. Thẩm phán Ngô Ngọc Thắng, chủ tọa phiên tòa, cho biết trước khi mở phiên tòa, HĐXX từng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của những người mua sản phẩm do đường dây tội phạm phân phối.
Trình bày trước HĐXX, một số người mua thú nhận họ mua vì nhóm tội phạm "chào giá" rẻ hơn thị trường. Giao dịch giữa hai bên không hề có hóa đơn, chứng từ. Ông N.Q.H (chủ cơ sở kinh doanh ở TP HCM) khai nhận một trong 9 bị cáo đến giới thiệu bán thuốc, thực phẩm chức năng có giá rẻ hơn giá niêm yết. Ông mua nhiều lần, tùy số lượng khách hàng đặt trước. Bên cạnh đó, chủ tọa phiên sơ thẩm đặt nghi vấn về một người tên "Ẩn". Đây là em trai bị cáo cầm đầu hoạt động phạm tội. Một số bị cáo xác nhận người này tham gia vào quá trình vận chuyển hàng. Dù vậy, cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ tình tiết liên quan đến đối tượng trên.
Trong vụ án, 9 bị cáo ra tòa về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", "Buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Sản xuất hàng giả là thực phẩm", "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Tổng hợp hình phạt sai
Không ít vụ án, cơ quan xét xử đưa ra quyết định tổng hợp hình phạt không đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đơn cử, TAND TP HCM xử phạt bị cáo Lê Văn Dũng 7 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Trước đó, TAND quận 11 (TP HCM) tuyên phạt bị cáo Dũng 3 năm 6 tháng tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ". Theo TAND TP HCM, hình phạt chung Lê Văn Dũng chấp hành ở cả 2 bản án là 10 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, TAND TP không xem xét việc bị cáo Dũng đã nhận giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Đó là lý do khiến HĐXX sơ thẩm tiếp tục buộc bị cáo chấp hành hình phạt tại bản án do TAND quận 11 ban hành. Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM nhận định đây là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bị cáo. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên bố hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm về phần tổng hợp hình phạt.
Vi phạm trong quyết định hình phạt còn xảy ra ở vụ án có bị cáo phạm nhiều tội danh. Điển hình, TAND tỉnh An Giang sai lầm khi xét xử bị cáo Nguyễn Huy Bình về 3 tội danh gồm: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Khi lượng hình, cấp sơ thẩm không tính toán hình phạt theo từng tội danh để tổng hợp hình phạt mà HĐXX gộp chung hình phạt 2 trong 3 tội ("Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"). TAND Cấp cao tại TP HCM đã hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến phần hình phạt trong vụ án. HĐXX phúc thẩm khẳng định "phương án" gộp chung hình phạt mà cấp sơ thẩm áp dụng vi phạm điều 55 Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Tuyên hủy, sửa khoảng 300 bản án mỗi năm
Từ tháng 12-2019 đến nay, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy, sửa khoảng 300 bản án với 539 bị cáo để điều tra, xét xử lại. Qua nghiên cứu, cơ quan tiến hành tố tụng đúc kết nguyên nhân hủy, sửa án chủ yếu xuất phát từ những thiếu sót trong thu thập, đánh giá chứng cứ; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; sai phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ án.
Theo Di Lâm (Nld.com.vn)