Ngày 31/7/2017 Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã ra đầu thú. Dân trí điểm lại một số vụ việc đã có những căn cứ nhất định về việc gây thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước nghiêm trọng của ông Thanh tại PVC và một số dự án khác.
Theo tư liệu từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ năm 2010, trong vụ việc chuyển nhượng cổ phần của CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tại CTCP Xuyên Thái Bình Dương, Trịnh Xuân Thanh - đại diện 1 trong 4 cổ đông của PVP Land là: PVC, Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phong Phú và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) đã chỉ đạo bán giá cổ phần thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho PVP Land.
Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau 1 năm trốn truy nã |
Tại phiên tòa xét xử xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land trung tuần tháng 3/2017, nhiều đồng phạm của Trịnh Xuân Thanh đã thừa nhận rút ruột, ăn chia thu lợi bất chính số tiền lớn của Nhà nước.
Theo Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land, đồng thời là Lãnh đạo cao nhất của PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, vào năm 2010, khi Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương bán hơn 9.600 m2 đất dự án Nam Đàn Plaza (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá quyết định là gần 21.000 đồng/cổ phần.
Với giá bán/cổ phần, số lượng cổ phần của các cổ đông PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương nắm giữ quy đổi sẽ tương đương 52 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza.
Tuy nhiên, Đào Duy Phong đã khai được chỉ đạo từ Trịnh Xuân Thanh bán giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza và chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m2. Phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 để chia nhau và Phong đã thông báo lại với Nguyễn Ngọc Sinh để triển khai thực hiện. Sau đó Sinh đề nghị rút bớt thêm 1 triệu đồng/m2 để lấy tiền chi phí và Phong đã đồng ý.
Số tiền chênh lệch, sau đó được cơ quan công an xác định lên đến hơn 87 tỷ đồng, số tiền này các đối tượng nói trên đã chia nhau thủ túi.
“Nhào nặn” PVC lỗ hơn 3.300 tỷ đồng sau 2 năm
Từ một đơn vị làm ăn có lãi, dưới thời Trịnh Xuân Thành, PVC đã trở thành con nợ khủng khiếp. Lý do được đưa ra là do DN này mang hàng nghìn tỷ đồng đi đầu tư tài chính, bất động sản nhưng thiếu kiểm soát.
Từ năm 2012, khi Trịnh Xuân Thanh đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVC, doanh thu của PVC giảm nghiêm trọng. Một số dự án bị các ngân hàng ngừng giải ngân, buộc phải giãn tiến độ; không có việc làm cho người lao động, các công ty con mà PVC rót vốn cũng đồng loạt thu lỗ. Chỉ trong năm 2012, hơn 1.800 tỷ đồng của PVC đã bốc hơi, số lỗ này sang năm 2013 còn tăng thêm, khiến khoản lỗ 2 năm của PVC đã đạt hơn 3.300 tỷ đồng.
Một bằng chứng về sự yếu kém của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh là việc sử dụng hơn 86% vốn điều lệ của công ty để góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết, trong đó có hơn 300 tỷ đồng đổ vào Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC – ME).
Tuy nhiên, sau 3 năm thành lập, PVC – ME đã âm vốn và gánh thêm khoản nợ hơn 500 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, DN này đã sử dụng quỹ đen trăm tỷ đồng để tiếp khách, biếu xén cho lãnh đạo công ty. Cụ thể, tháng 7/2011, văn phòng công ty trên đã rút 350 triệu đồng mua... bộ đồ đánh golf cho lãnh đạo. Tháng 8/2011, chi hơn 550 triệu đồng để chi cho việc "sinh nhật bố sếp Thanh".
Đội vốn hơn 300 tỷ đồng, Ethanol của PVC thành "bom nợ"
Ngoài việc quản lý vốn, đầu tư ngoài ngành, PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như: xây dựng nhà máy xăng sinh học, nhiệt điện... Tuy nhiên, tất cả chỉ để lại những bết bát với những khoản lỗ khủng, trong đó có dự án thuộc 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của Bộ Công Thương.
Cụ thể, nhà máy xăng sinh học Ethanol Phú Thọ, PVC tham gia với tư cách là tổng thầu EPC, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận, PVC đã điều chỉnh gói tổng giá trị gói thầu ban đầu từ 59 triệu USD lên 73,3 triệu USD (tăng thêm 14,3 triệu USD). Tuy nhiên, dù được khởi công sớm nhất nhưng Ethanol Phú Thọ đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tính đến hết năm 2016 Ethanol Phú Thọ có tổng nợ phải trả lên đến hơn 800 tỷ đồng và dù Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều phương án giải cứu dự án này nhưng quả bom nợ của PVC vẫn không thể cắt dây.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)