Bài 1: Những tay “trùm” giấu mặt...
Ma tuý đã thật sự trở thành mối lo chung của toàn xã hội bởi những tác hại ghê gớm của nó. Kẻ nghiện ma tuý không chỉ tự kết liễu đời mình mà còn là những tên tội phạm gây ra bao nỗi kinh hoàng cho xã hội, cho người dân lương thiện.
Biết bao gia đình tan nát, mất mát đau thương khi có người thân nghiện nghập và gây tội ác. Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất cố gắng trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, vậy nhưng tội phạm ma túy vẫn ngày càng diễn biến phức tạp. Vì sao?
Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, người châu Phi (nhất là Nigeria) đến Việt Nam khá nhiều. Bên cạnh những doanh nhân thành đạt, làm ăn chân chính hoặc đi du lịch thì xuất hiện không ít những kẻ thuộc thành phần bất hảo trà trộn vào Việt Nam để tìm cơ hội gây án, mà chủ yếu thực hiện hành vi mua bán ma túy trái phép mang tính chất quốc tế.
Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng người Nigeria lên kế hoạch khá công phu là sang Việt Nam cưới vợ. Sau một thời gian mặn nồng tình nghĩa vợ chồng, chúng bắt đầu sử dụng ngay chính người vợ của mình để vận chuyển ma túy và khi vợ bị bắt thì chúng “cao chạy xa bay”.
Ngoài ra, trong vai những doanh nhân thành đạt, chúng có thể tuyển dụng các đối tượng (hầu hết là nữ giới) người Việt để làm việc cho công ty của mình. Sau đó, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng cử những nhân viên này sang Ấn Độ, Pakistan để nhận hàng mẫu (của đối tác đặt hàng cho công ty sản xuất) mang về Việt Nam cho “ông chủ” xem … nhưng thực chất bên trong những chiếc hộp đựng hàng mẫu đó ma túy. Đến khi bị phát hiện và bắt giữ những nhân viên này mới hay mình bị “sập bẫy” thì đã muộn. Một số khác tuy biết vận chuyển ma túy nhưng vẫn nhắm mắt làm liều vì số tiền được trả quá cao làm mờ mắt họ.
Nguyễn Thị Phước (SN 1981; quê quán Quảng Ngãi) và Hà Thị Ngô (SN 1981; ngụ Đắk Lắk) là hai trong số nhiều người bị “sập bẫy”. Dù đã trải qua 8 năm thụ án tù (năm 2010 Phước bị tòa tuyên án 18 năm tù, Ngô 20 năm tù cùng tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”) nhưng theo các cán bộ quản giáo trại giam kể lại, hai người này vẫn chưa thể nguôi ngoai trước sai lầm của cuộc đời mình.
Phước vốn là hướng dẫn viên du lịch ở TP Đà Nẵng. Cô lập một Blog để quảng bá về hoạt động du lịch, trên đó có số điện thoại cá nhân. Một lần nọ có người đàn ông tự xưng là Kelvin, người Nigeria điện thoại bắt chuyện làm quen với Phước. Sau đó hai người cho nhau nickname và thường xuyên lên mạng “tán gẫu”. Kelvin cho biết anh ta là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quần áo ở TP Hồ Chí Minh.
Hà Thị Ngô cũng vậy, trong những lần lang thang trên Internet, chị quen với một người đàn ông Nigeria có tên gọi là John. Cũng giống như Kelvin, John giới thiệu mình là giám đốc công ty xuất nhập khẩu quần áo.
Sau một thời quen biết, Phước từ Đà Nẵng vào TP.Hồ Chí Minh để gặp Kelvin cùng nhóm bạn cũng là người Nigeria, trong đó có John và bạn gái là Ngô. Từ đó mà Phước và Ngô biết nhau. Khi tình cảm mặn nồng, Kelvin đặt vấn đề nhờ Phước và Ngô mang hàng mẫu (quần áo, giày dép có chứa ma túy) từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại thì được hai người này đồng ý.
Khoảng 21h ngày 17-8-2009, Phước mang kiện hàng có đôi dép chứa hơn 146g heroin đến sân bay Tân Sơn Nhất để sang Trung Quốc thì bị bắt quả tang… Từ lời khai của Phước, Ngô cũng bị tra tay vào còng, nhưng những kẻ đầu vụ buôn heoin thì thoát lưới pháp luật vì bản thân Phước, Ngô chẳng biết gì về lai lịch của Kelvin và John.
Khi quá nhiều phụ nữ bị lừa, thông tin đăng tải nhan nhản trên các báo đã làm nhiều người thức tỉnh. Bên cạnh đó, Công an TP Hồ Chí Minh siết chặt công tác quản lý người châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam thì tình hình tội phạm người châu Phi cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy giảm hẳn. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, giai đoạn từ năm 2012-2016, các đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Trung Quốc, Australia bắt đầu hoạt động trở lại và kẻ cầm đầu vẫn là các đối tượng người Nigieria nhưng ở bên ngoài Việt Nam.
Và những người bị dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này cũng khác hơn so với trước là chúng thuê phụ nữ ở lân cận Việt Nam để vận chuyển ma túy vào Việt Nam, sau đó, thuê người Việt Nam vận chuyển sang nước thứ 3. Các đối tượng này thông qua điện thoại, internet để điều hành toàn bộ đường dây tội phạm. Người vận chuyển hoàn toàn không rõ ai thuê mình, cũng không rõ lộ trình vận chuyển mà thụ động theo sự sắp đặt của kẻ cầm đầu. Vì vậy mà các đường dây ma túy bị triệt phá chỉ bắt được người làm thuê còn kẻ chủ mưu vẫn là một ẩn số.
Một hai năm trở lại đây, hình thức vận chuyển trái phép ma túy qua đường hành khách xuất nhập cảnh đã giảm đáng kể nhưng chuyển sang phương thức cất giấu trong hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy.
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị trong toàn Cục đã phát hiện, lập biên bản 40 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy; thu giữ tổng cộng khoảng hơn 54,5kg chất ma túy các loại. Chúng tinh vi cất giấu ma túy giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy hút bụi, hộp và túi đựng đĩa CD, ổ cứng máy vi tính… Đặc biệt, chúng ranh ma gửi các lô hàng dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thì cơ quan chức năng ở Việt Nam rất khó xử lý người nhận hàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người nhận hàng ở phía Việt Nam có một số nằm trong đường dây của kẻ buôn ma túy nhưng cũng không ít người chỉ là nạn nhân. Kẻ giấu mặt ở nước ngoài thông qua mạng xã hội làm quen với người ở Việt Nam. Sau đó, kẻ này xin địa chỉ để gửi quà tặng làm quen và tiện thể nhờ gửi ít quà cho một người khác. Nếu thông quan trót lọt, khi hàng đến nhà người nhận sẽ có người đến lấy kiện hàng có ma túy mang đi tiêu thụ.
Ở chiều ngược lại, tức hàng hóa có cất giấu ma túy từ Việt Nam vận chuyển sang nước thứ 3, các đối tượng còn sử dụng chứng minh nhân dân giả gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
Về đường bộ, nguồn ma túy chủ yếu là từ vùng “tam giác vàng” đưa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam, sau đó vận chuyển bằng ôtô đến các tỉnh, thành trong cả nước. Qua các đường dây ma túy khủng bị triệt phá cho thấy, cơ quan chức năng cũng chỉ bắt giữ được kẻ cầm đầu đường dây ở Việt Nam chứ chưa “đụng” các đầu nậu ma túy thật sự ở phía bên kia biên giới. Như trong vụ triệt phá đường dây ma túy cực lớn do Phạm Hữu Hiệu (48 tuổi; quê Nghệ An) cầm đầu vào tháng 7-2018.
Hiệu liên hệ với các đối tượng vận chuyển ma túy từ biên giới Lào qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) và Lao Bảo (Quảng Trị) rồi vận chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hiệu cùng nhiều đàn em đã bị bắt giữ nhưng những kẻ cung cấp ma túy cho Hiệu thì vẫn chưa rõ là ai.
Chính vì vậy mà để công tác phòng chống ma túy trong cả nước đạt hiệu quả, đã từ lâu, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, xây dựng bố trí mạng lưới nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm ma tuý tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, tích cực phối hợp với các nước láng giềng triển khai các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, vì “mờ mắt” trước đồng tiền, vì hám giàu nhanh, không ít kẻ như những con thiêu thân lao vào vận chuyển, mua bán ma túy. Đến khi trả giá trước pháp luật, kẻ khóc lóc, người van xin sự khoan hồng của pháp luật nhưng tất cả đều đã muộn…
Theo Mã Hải (CAND Online)