Những khoản tiền 'khủng' tiếp tục được hé lộ tại phiên xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát

07/11/2024 19:50:28

Những khoản tiền "khủng" vẫn tiếp tục được hé lộ trong diễn biến phiên xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.

Chiều 7-11, TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm liên quan đến kháng cáo bản án sơ thẩm trong đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.

Đại diện SCB lúng túng

Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bày tỏ nguyện vọng xin giữ lại biệt thự cổ tại địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần. Bên cạnh đó, bà còn đề nghị được nhận lại các tài sản bao gồm nhà số 78 Nguyễn Huệ; nhà số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ (hiện đang cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) thuê làm trụ sở); nhà đất số 24 Lê Lợi; nhà đất số 21-21A Trần Cao Vân; nhà đất số 193 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (cùng toạ lạc TP HCM).

Những khoản tiền 'khủng' tiếp tục được hé lộ tại phiên xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà

Ngoài ra, bà Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét để bà được nhận lại 5.000 tỉ đồng đã góp vào SCB nhằm tăng vốn điều lệ nhưng chưa kịp hoàn tất trước khi bà bị bắt. Bà Lan cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án.

Liên quan số tiền này, đại diện SCB có mặt tại toà tỏ ra lúng túng. Theo vị đại diện, SCB đã hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ từ năm 2021 nhưng số tiền góp vốn của bà Lan vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận tăng vốn.

Những khoản tiền 'khủng' tiếp tục được hé lộ tại phiên xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát - 1
Hình ảnh căn biệt thự cổ hơn 700 tỉ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan tha thiết "xin lại" cho con gái

Về nội dung kháng cáo, đại diện SCB trình bày 5 nội dung. Bao gồm: đòi bồi thường phần lãi liên quan tới 1.243 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, tính lãi phát sinh đến khi bồi thường hoàn tất; yêu cầu Công ty Tuần Châu hoàn trả hơn 6.000 tỉ đồng; đòi Công ty Thành Hiếu hoàn trả 1.200 tỉ đồng khoản vay; giao SCB quản lý dự án 6A Bình Chánh; giao SCB quản lý 1.121 mã tài sản.

Tuy nhiên, đại diện SCB tỏ ra bối rối khi giải thích về các tài sản trong kháng cáo. Vị đại diện trình bày trong 1.121 mã tài sản mà tòa sơ thẩm giao SCB xử lý có một số bị chồng lấn với các tài sản tòa tuyên trả lại cho cá nhân khác. Cụ thể, 3 mã tài sản được trả cho Công ty Phương Trang lại nằm trong số tài sản mà nhóm Vạn Thịnh Phát đã thế chấp tại SCB.

Về kháng cáo thứ 4, SCB cho rằng bà Trương Mỹ Lan có hai nghĩa vụ độc lập: một là bồi thường 673.000 tỉ đồng và hai là giao 1.121 mã tài sản cho SCB xử lý. SCB lo ngại rằng trong quá trình thi hành án, nếu số tiền thu giữ từ bà Lan không đủ để bồi thường, cơ quan thi hành án sẽ phải cấn trừ vào 1.121 mã tài sản này.

Khi HĐXX hỏi liệu như vậy có dẫn đến việc bà Lan phải bồi thường hai lần không, đại diện SCB không trả lời được nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Bà Trương Mỹ Lan phản bác

Trước các yêu cầu của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định không đồng ý vì cho rằng những yêu cầu này "không đúng quy định pháp luật". Cụ thể, về khoản tiền 6.000 tỉ đồng mà SCB yêu cầu Công ty Tuần Châu phải hoàn trả, bà Lan giải thích đây là số tiền mà Công ty Cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc (do ông Đào Hồng Tuyển sở hữu) đã vay mượn từ bà, và không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của SCB.

Những khoản tiền 'khủng' tiếp tục được hé lộ tại phiên xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát - 2
Bị cáo Trương Huệ Vân tại toà

Liên quan đến mối quan hệ vay mượn với Công ty Phương Trang, bà Lan cho biết, khi SCB thực hiện cổ phần hóa, Công ty Phương Trang là một trong những khách hàng lớn nhất của ngân hàng này. Bà Lan cho hay, Phương Trang đã vay của bà 3.000 tỉ đồng, ngoài khoản nợ 1.450 tỉ đồng mà công ty này còn nợ SCB. Bà Lan cũng cho biết khi SCB thực hiện tái cơ cấu, bà đã đề nghị Phương Trang thanh toán trước khoản nợ 1.450 tỉ đồng cho SCB.

Theo Ý Linh (Nld.com.vn)

Nổi bật