Từ con ngan bị vặn cổ chết trong chuồng, cảnh sát đã lần ra thủ phạm vụ giết dã man 2 anh em trong lúc đang bế tắc điều tra.
Công an nhận định, các vết thương do cùng một loại hung khí gây ra. Hiện trường không có dấu hiệu xáo trộn nhiều, nạn nhân nằm ở 2 vị trí khác nhau. Tài sản trong nhà không bị mất.
Hàng xóm nhà đều cho biết chị Triệu không hề có mâu thuẫn với ai. Hai đứa trẻ đều ngoan, được mọi người yêu mến, ngoài giờ lên lớp chỉ quanh quẩn ở nhà. Yếu tố giết người cướp của và trả thù cá nhân được loại bỏ khỏi hướng điều tra.
Mở rộng phạm vi hiện trường, lực lượng khám nghiệm phát hiện ở một rẫy mỳ cách nhà nạn nhân vài chục mét có một cây cuốc chim dính máu. Trong chuồng gia súc có một con ngan bị vặn cổ chết. Từ đây, lực lượng điều tra nhận định có thể nghi can giết người với kẻ đã vặn cổ con ngan là một. Đây phải là kẻ trộm có “thương hiệu” ở địa phương nên không ai khác ngoài Vi Bế Ngoạt.
Ba ngày sau, khi bị công an tìm ra tung tích, cuối tháng 10/2013 Ngoạt đã thừa nhận tội ác. Ngày 11/6/2014, bị xét xử ở TAND tỉnh Đăk Lăk, Ngoạt khi chỉ có ý định bắt trộm con ngan. Khi bị 2 cháu bé phát hiện, tri hô hắn hoảng loạn vơ lấy cuốc chim tấn công với ý đồ “giết người diệt khẩu”. Ngoạt sau đó đã bị tuyên án tử hình.
Ảnh minh họa. Nguồn IT. |
Sự thật của bản “hợp đồng tình ái”
Một ngày giữa tháng 6/2016, Phân viện Khoa học hình sự phía Nam Bộ Công an nhận được yêu cầu của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trưng cầu giám định một văn bản hợp đồng giữa bà Nam và ông Xuân – Chủ tịch hội đồng quản trị một đơn vị kinh tế du lịch. Cả 2 đều cư ngụ tại Bạc Liêu, đưa nhau ra tòa vì tranh chấp nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê mặt bằng.
Tại tòa, ông Xuân cho rằng ông và bà Nam từng yêu nhau. Trong thời gian mặn nồng đó, bà Nam thuê 33 kiot và mặt bằng nhà gỗ lưu niệm trong khu du lịch của công ty ông Xuân. Giá thuê 20 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu tiên, 15 năm tiếp theo tiếp tục thuê sẽ tăng 15%, hợp đồng 20 năm từ 2014 đến 2034.
Vì đang yêu nên cả 2 đều thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế để hợp thức hóa thủ tục kế toán nhưng không có nội dung rằng buộc về pháp lý. Hợp đồng được thực hiện 2 bản, mỗi bản 4 tờ, mỗi bên giữ một bản. Tuy nhiên, ông Xuân đã giao hết 2 bản cho bà Nam cất giữ.
Sau thời gian chung sống, họ quyết định chia tay và chấm dứt hợp đồng kinh tế. Bà Nam yêu cầu ông Xuân bồi thường 10 tỷ đồng vì hủy hợp đồng. Căn cứ một chi tiết thỏa thuận trong hợp đồng, bà Nam đòi ông Xuân phải trả mỗi năm 200 triệu đồng trong suốt 20 năm.
Tại tòa, ông Xuân kiên quyết cho rằng, những chi tiết trên không có trong thỏa thuận khi giao kết mà do bà Nam tự thêm nội dung gây bất lợi cho ông. Bà Nam thì nói đó là bản hợp đồng gốc, có chữ ký của ông Xuân, con dấu của công ty.
Đến tháng 8/2016, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an khu vực phía nam xác định bản hợp đồng mà bà Nam lưu giữ chỉ có một nửa là thật. Bản hợp đồng này gồm 4 tờ giấy khổ A4 được ghi nội dung thỏa thuận trên một mặt. Ở mặt sau của 3 tờ đầu tiên, có ai đó đã đánh máy thêm nội dung mới có lợi cho bà Nam.
Phông chữ ở 3 mặt sau đều khác loại mực in với 4 mặt trước của văn bản hợp đồng. Loại máy in chữ mặt sau cũng khác với loại máy in ở mặt trước; tờ A4 cuối cùng trong văn bản hợp đồng con dấu giáp lai bị lệch.
Sau khi có kết quả giám định này, bà Nam mới thừa nhận trước tòa rằng đã in thêm nội dung ở các mặt sau trong văn bản hợp đồng để được lợi về phía mình.
Camera “mù” vẫn mô tả được chân dung hung thủ
Ông Ngọc (quận Gò Vấp, TP HCM) trình báo công an bị kẻ trộm cạy tủ lấy mất 160 triệu đồng. Tại hiện trường, camera an ninh của gia đình bị kẻ trộm bẻ cụp trước khi ghi lại hình ảnh. Thời điểm xảy ra mất trộm các cánh cửa không có dấu hiệu cạy phá.
Ông Ngọc cho biết đây không phải là lần đầu bị mất trộm mà liên tục xảy ra suốt cả năm trời. Đạo chích không lấy hết tiền trong tủ mà chỉ lấy một phần khiến không khí trong gia đình luôn ảm đạm, người này nghi ngờ người kia.
Để giải mã vụ án, chiếc camera an ninh của gia đình được gửi đến Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định dấu vết. Căn cứ vị trí đính camera an ninh vào tường và hướng gãy, các giám định viên hình sự đoán kẻ trộm đi từ trên lầu đi xuống. Trở lại hiện trường vụ án, lực lượng điều tra phát hiện trên trần nhà có nhiều dấu vết lạ được tạo bởi một sợi dây dù.
Lực lượng phá án phán đoán kẻ trộm là người hàng xóm, có quen biết với gia đình nên biết rõ điểm mù của camera an ninh. Chi tiết này đã giải tỏa trạng thái bất hòa trong gia đình ông Ngọc và cũng là chỉ dấu để lực lượng phá án tập trung hướng điều tra.
Lần theo dấu vết của sợi dây dù, bằng một vài biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án tìm được nghi phạm là Phạm Tuấn Anh - hàng xóm thân thiết của gia đình ông Ngọc.
Tuấn Anh khai mỗi khi gia đình ông Ngọc rời nhà vào ban đêm, anh ta đều biết nên chỉ việc trèo lên mái nhà của mình rồi lần sang mái nhà ông Ngọc dỡ tấm tôn, chui xuống la phông rồi đu dây dù xuống sàn nhà lục soát tài sản. Để đánh hướng điều tra của công an “lạc” sang phía những người thân trong gia đình ông Ngọc, Tuấn Anh luôn chừa lại một số tiền.
Sau khi lấy tài sản xong, anh đều sắp xếp đồ đạc trong tủ gọn gàng, trở ra bằng lối cũ rồi vặn ốc vít mái tôn như ban đầu.
Theo An ninh thế giới