Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ xét xử sơ thẩm cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cùng 91 người trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia.
Hồ sơ vụ án xác định, ngày 4/2/2010 trong quyết định 450 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục C50) do Bộ Công an ban hành có nội dung Cục C50 được thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ.
Giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa (cục trưởng C50) nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong.
Ông Hóa giao Phòng tham mưu, C50 xây dựng tờ trình rồi sau đó ký ban hành tờ trình việc thành lập công ty bình phong gửi ông Vĩnh. Ông Vĩnh đồng ý nên ông Hóa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới xây dựng đề án về nội dung trên.
Giữa tháng 9/2011, ông Hóa ký công văn gửi một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để xin phê duyệt thành lập công ty bình phong trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Nội dung công văn thể hiện Cục C50 đề xuất thành lập theo mô hình công ty TNHH. Trong đó C50 góp 20% cổ phần nhưng chỉ là "hình thức" và cử cán bộ đại diện cho phần vốn góp, tham gia vào công ty phụ trách công nghệ thông tin. Cán bộ được cử thực hiện theo sự điều hành trực tiếp của C50. Về nhân sự, trước mắt C50 cử cán bộ có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn phù hợp để hợp tác nghiệp vụ.
Cùng ngày, ông Hóa ký tờ trình gửi ông Vĩnh có nội dung tương tự văn bản gửi Phó tổng cục trưởng, song chỉ khác tại phần vốn góp không có từ "hình thức".
Ông Hóa sau đó chỉ đạo cấp dưới lập tờ trình để ông Vĩnh gửi xin ý kiến cấp trên thời điểm đó một thứ trưởng Bộ Công an với nội dung xin thành lập công ty bình phong nói trên nhưng cũng không đề cập gì tới việc góp vốn chỉ là hình thức.
Thứ trưởng có bút phê "đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đã quy định".
Mưu đồ biến CNC thành công ty bình phong của C50
Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để thành lập công ty bình phong cho Cục C50. Ông Hoá sau đó thống nhất để Dương thành lập công ty.
Dù chưa được thông qua đề án xây dựng công ty bình phong, ngày 30/9/2011, Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (viết tắt là công ty CNC) và bản thân anh ta làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ngày 10/10/2011, ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương. Trong bản ghi nhớ có nội dung trách nhiệm của Cục C50 là tạo điều kiện khi công ty CNC có đề xuất những lĩnh vực kinh doanh mang tính chất thí điểm phục vụ công tác đánh giá tác động xã hội, môi trường trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ cao.
Còn trách nhiệm của công ty CNC là phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của Cục C50, báo cáo về các hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty theo định kỳ. CNC còn phải phân phối lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động theo tỷ lệ: Công ty CNC được 80%, C50 nhận 20%.
Cùng ngày, ông Hóa ký tiếp hợp đồng ủy quyền cho Dương là người đại diện, thay mặt và nhân danh C50 liên hệ với công ty CNC và cá nhân tổ chức có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20% vốn điều lệ của công ty CNC. Trên thực tế C50 không góp 20%.
Ông Hóa còn ủy quyền cho Dương được lập và ký tên các giấy tờ, tài liệu, thư trao đổi... đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Cục C50. Dương chỉ không được sử dụng, chuyển nhượng, định đoạt, thụ hưởng phần vốn đại diện hay bất kỳ lợi ích nào từ nguồn vốn góp trên.
Sau khi được trao quyền, ngày tháng 5/2012 Dương có văn bản gửi ông Vĩnh và Hóa báo cáo về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, Dương đề nghị lãnh đạo tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác Tamtay trong việc xây dựng và tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet.
Dương đưa ra mục đích của hoạt động này là "nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất từ thực tế để quản lý các hoạt động bất hợp pháp trên, tạo nguồn thu để CNC có nguồn tài chính xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao".
Dương còn xin được sử dụng trụ sở của Tổng cục Cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội làm nơi hoạt động của công ty CNC. Việc này được ông Vĩnh đồng ý.
Về những việc làm trên của ông Vĩnh, cơ quan tố tụng cho rằng cựu trung tướng này đồng tình với đề nghị của ông Hóa và ký ban hành Quyết định công nhận công ty CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan chuyên môn. Điều này trái quy trình với quyết định 450 của Bộ Công an.
Những cáo buộc "chống lưng" của ông Vĩnh
Nhà chức trách xác định, ông Vĩnh giữ chức vụ Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trật tự xã hội. Vì thế, ông phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc để còn có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới.
Thế nhưng, khi nhận báo cáo số 68 ngày 18/5/2016 của Dương với đề xuất "cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến...và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC", ông đã đồng ý, còn có bút phê "kính chuyển đồng chí Cục trưởng Cục C50 nghiên cứu và đề xuất".
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của ông Vĩnh, ông Hóa chỉ đạo cấp dưới lập tờ trình rồi lại trình ngược lên ông Vĩnh.
Ngày 22/5/2016, ông Vĩnh có bút phê "đồng ý đề xuất, giao ông Hóa trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện đảm bảo hoạt động thí điểm và các thủ tục pháp lý đúng yêu cầu pháp luật và kiểm soát tình hình hoạt động của tội phạm về lĩnh vực này, có đề xuất tiếp trình Tổng cục và Bộ".
Theo cơ quan điều tra, việc cho phép nêu trên của ông Phan Văn Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 25/2014. Dấu hiệu đặc biệt lưu ý của sự "chống lưng" cho Dương thực hiện tội phạm tổ chức đánh bạc của hai ông Vĩnh và Hóa còn thể hiện ở chỗ, Tổng cục cảnh sát cho công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc. Trong trụ sở của công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: "Bộ Công an - Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng".
"Điều này thể hiện, chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm", nhà chức trách đánh giá.
Theo cơ qua điều tra, hành động trợ giúp cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc của ông Vĩnh không chỉ dừng lại ở đó. Ông còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của công ty CNC.
Ông Vĩnh còn chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc. Đặc biệt, ông Vĩnh bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011 để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp và gián tiếp thừa nhận đã biết và chỉ đạo Cục C50 hợp tác với công ty CNC ngay từ năm 2011.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện công ty CNC vận hành hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo.
Đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày, ông mới chỉ đạo Cục C50 tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an. Nhưng báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc. Ông Vĩnh còn chỉ đạo một tổng cục phó ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của công ty CNC, tuy nhiên đã bị từ chối.
Vì sao ông Phan Văn Vĩnh không bị khởi tố về tội Nhận hối lộ
Tại cơ quan điều tra, ông Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet. Trong thời gian cho Cục C50 hợp tác với công ty CNC, ông thừa nhận được Dương cho một chiếc áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát Dương có mặt. Dương khai khi có mặt tại các bữa ăn đều mang rượu đến, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Trước việc Dương khai đã đưa ông cho 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD, chi tiếp khách hơn 10 tỷ đồng, mua tặng đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD..., ông Vĩnh đã phủ nhận.
Do có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa Dương với ông Vĩnh về việc cho, nhận tài sản, trong khi không thu được vật chứng nên cơ quan an ninh tách hành vi này của ra, khi nào làm rõ được sẽ xử lý sau.
VKSND tỉnh Phú Thọ truy tố ông về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.
Cùng tội danh với ông Vĩnh là bị can Nguyễn Thanh Hóa. 90 người còn lại trong vụ án bị truy tố về các tội: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hoá đơn, Rửa tiền, Đưa hối lộ.
Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), Phan Sào Nam (chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng.
Gần 30 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Các bị can bị cáo buộc đã lôi kéo được gần 43.000 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng.
Theo PV (VnExpress.net)