Những điều ít biết về đại án 'Chuyến bay giải cứu'…

22/10/2023 08:08:08

Vụ án “Chuyến bay giải cứu” hiện đang được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tập trung nghiên cứu hồ sơ để cuối tháng 11-2023 sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm đối với những bị cáo kháng cáo. Vụ án này đang dần đi vào hồi kết, song không ít tình tiết liên quan vẫn chưa được nhiều người biết đến...

Những điều ít biết về đại án 'Chuyến bay giải cứu'…
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên xử

Số lượng người tiến hành và tham gia tố tụng lớn

Trở lại vụ án “Chuyến bay giải cứu” tại giai đoạn sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt 54 bị cáo với 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong số 54 bị cáo có 21 bị cáo bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” và có tới 18 bị cáo bị xác định phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; 4 bị cáo bị xem xét trách nhiệm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ở tội “Đưa hối lộ”, 23 bị cáo đã bị quy kết; 4 bị cáo bị xác định phạm tội “Môi giới hối lộ”; 1 bị cáo bị kết luận cùng lúc phạm 2 tội là “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 bị cáo bị kết án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 7, vụ án “Chuyến bay giải cứu” có tới 105 luật sư đăng ký tham gia bào chữa. Đây là vụ án có số lượng luật sư tham gia lớn nhất từ trước tới nay tại TAND TP Hà Nội. Trong đó, có một số luật sư cùng lúc bào chữa cho 2 bị cáo. Và có những bị cáo cùng lúc được nhiều luật sư bào chữa như bị cáo Vũ Hồng Quang - cựu cán bộ Cục Hàng không Việt Nam và Nguyễn Thị Thanh Hằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh (với tổng số 12 luật sư).

Tiếp đến, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có 3 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Quang Linh - cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có 2 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có 3 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Thanh Hải - cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế (Văn phòng Chính phủ) có 2 luật sư bào chữa; bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có 3 luật sư bào chữa; bị cáo Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Việt Nam (Bộ Ngoại giao) có 3 luật sư bào chữa và cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng có tới 3 luật sư bào chữa… Tuy nhiên khi phiên tòa diễn ra, một số luật sư đã bị các bị cáo từ chối, song con số luật sư tham gia phiên tòa vẫn lên tới gần 100 luật sư. Tiến hành xét xử vụ án, Tòa án Hà Nội đã triệu tập hơn 30 người làm chứng, 16 doanh nghiệp và hơn 40 cá nhân liên quan.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Hà Nội phân công Thẩm phán Vũ Quang Huy (một trong những Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực xét xử tốt nhất) làm Chủ tọa phiên tòa. HĐXX vụ án còn có các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, gồm cả các thành viên dự khuyết. Do đây là vụ án lớn, tính chất đặc biệt phức tạp và phần lớn các bị cáo đều là những người có trình độ hiểu biết cao, nên Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP Hà Nội phân công tới 5 Kiểm sát viên chính thức thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử.

Ngoài ra còn có các Kiểm sát viên dự khuyết và cán bộ kiểm sát giúp việc ngay tại phiên tòa. Trong gần 3 tuần xét xử vụ án, ngoài 2 thư ký chính thức, hàng chục lượt cán bộ tòa án cũng được huy động để phục vụ phiên tòa. Hàng trăm cán bộ công an gồm lực lượng Cảnh sát dẫn giải cùng Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp lúc nào cũng có mặt tại phiên xử. Đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền, Tòa án Hà Nội bố trí hẳn phòng báo chí riêng với sự thường trực theo dõi của hàng chục phóng viên của các báo, đài.

Những điều ít biết về đại án 'Chuyến bay giải cứu'… - 1
Các luật sư tham gia phiên tòa

Cựu Phó Chủ tịch có người bào chữa “đặc biệt”

Ở vụ án “Chuyến bay giải cứu”, một điều khá đặc biệt và hy hữu là bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” có tới 3 người bào chữa, trong đó luật sư Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) là học trò cũ của bị cáo này. Bên lề hành lang phiên xử, luật sư Tuyến chia sẻ, năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, bị cáo Dũng được phân công về trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) công tác. Tại ngôi trường này, bị cáo Dũng được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp mà chính vị luật sư này theo học trong suốt 3 năm phổ thông. Năm 1998, bị cáo Dũng chuyển công tác về giảng dạy tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) và sau đó có nhiều năm giữ chức Hiệu trưởng ngôi trường danh giá này.

“Tôi chính là thế hệ học trò đầu tiên và “đầu tay” của thầy Chử Xuân Dũng. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cách nay 26 năm, hàng ngày thầy Dũng lóc cóc, đều đặn đạp chiếc xe cũ rích từ Đông Anh lên Sóc Sơn dạy chúng tôi. Và chính thầy là người đầu tiên đem đến ngôi trường cấp 3 ngoại thành Hà Nội những khái niệm về “tin học” cũng như công nghệ thông tin” - luật sư Tuyến chia sẻ. Được hỏi về cảm xúc khi tham gia phiên tòa với vai trò luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng, vị luật sư này cho hay: “Rất đau buồn, rất tiếc. Không ai ngờ là thầy trò phải gặp nhau trong hoàn cảnh này”. Bên lề phiên xử sơ thẩm, luật sư Tuyến cho biết thêm, bị cáo Dũng luôn rất thành khẩn, ăn năn hối cải và luôn day dứt về hành vi của bản thân.

Khi phiên tòa mở ra, bị cáo Dũng và gia đình đã kịp thời khắc phục toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng nhận hối lộ. Bị cáo Dũng được nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân có đơn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ phần hình phạt vì có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục cũng như phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, khi tòa nghị án kéo dài, 100% cán bộ, giáo viên và người lao động của một ngôi trường ở quận Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục có đơn gửi tới tòa án bày tỏ mong mỏi bị cáo Dũng được xem xét kỹ lưỡng giữa công và tội vì có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Thủ đô… Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tính chất, mức độ phạm tội có phần thụ động, nể nang, đồng thời đã khắc phục toàn bộ hậu quả nên cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ bị tuyên phạt 3 năm tù.

Những điều ít biết về đại án 'Chuyến bay giải cứu'… - 2
Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa sơ thẩm

Viện kiểm sát đối đáp khái quát cao

Liên quan đến vụ án “Chuyến bay giải cứu”, một điều rất quan trọng và có lẽ cũng không nhiều người để tâm đến, đó chính là trình độ, năng lực tranh luận, đối đáp của các Kiểm sát viên (KSV) thực hành quyền công tố trước những quan điểm của luật sư bào chữa. Theo đó, đối đáp một cách khái quát trước các quan điểm của bị các bị cáo và luật sư, KSV nhấn mạnh, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ để tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay theo yêu cầu của người đưa tiền. Hành vi đưa, nhận tiền diễn ra xuyên suốt trong thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1-2022. Các bị cáo đưa, nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau nên không thể có những món quà “cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỉ” nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền.

Theo KSV, việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “ngầm định”, mặc định, được xác định là “cơ chế cảm ơn” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa - nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm nhưng vẫn phạm tội.

Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn”. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn được về nước. Nhìn nhận về hành vi phạm tội, KSV cho rằng các bị cáo có hành động trục lợi từ chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin - cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. “Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm” - KSV khẳng định. Thậm chí đối với quan điểm bào chữa cho hành vi của bị cáo Phạm Trung Kiên, KSV đánh giá là lệch lạc và vô cảm trước những đau khổ, mất mát to lớn của đồng bào.

Theo Minh Long (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật