Ông Đinh La Thăng lĩnh án 30 năm tù
Năm 2018, các cơ quan chức năng đã làm rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó, từ Ủy viên Bộ Chính trị, ông Thăng đã bị kỷ luật, khai trừ Đảng rồi sau đó bị tuyên mức án 30 năm tù giam. Phiên toà xét xử ông Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại PVN cũng là phiên toà đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới, phiên tòa không vành móng ngựa.
Năm qua, ông Đinh La Thăng phải hầu tòa 4 lần (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) trong 2 vụ án gồm vụ thất thoát 119 tỷ đồng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái
Bình 2 và vụ PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng vốn góp khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Trong cả 2 vụ, ông Đinh La Thăng đều bị kết tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhận 13 năm tù trong vụ Thái Bình 2 và 18 năm tù trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng, tổng mức án là 30 năm tù và phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng.
Vũ “nhôm” và cú ngã ngựa của hàng loạt quan chức
Đầu năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã bắt bị can Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 theo quyết định truy nã về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” .
Sau đó, Vũ “nhôm” bị khởi tố bổ sung thêm các tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” để làm rõ những sai phạm liên quan việc mua, bán các nhà, đất công sản tại một số tỉnh, thành phố và vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Quá trình điều tra mở rộng, CQĐT - Bộ Công an đã “lôi” ra ánh sáng hàng loạt quan chức của TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh có dính líu đến những thương vụ thâu tóm đất công giá bèo của Vũ “nhôm”, trong đó có ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014); ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM bị khởi tố về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai…
Vũ “nhôm” không chỉ luồn lách “vòi bạch tuộc” vào bộ máy chính quyền tại Đà Nẵng, TPHCM để thâu tóm đất vàng, đất công sản mà còn “lôi” một số tướng lĩnh ngành công an vào vòng xoáy phạm tội. Điển hình, hai vị tướng công an có liên quan đến Vũ “nhôm” là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân. Hai ông này đã bị giáng cấp hàm, cách chức, xoá tư cách thứ trưởng và bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Người đứng đầu cơ quan chống tội phạm bảo kê cho tội phạm
Trong số những vụ án nổi cộm năm 2018 không thể không nhắc đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự “bảo kê” của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận bởi số tiền đánh bạc lên tới hơn 9 nghìn tỷ đồng, tài sản tang vật bị thu giữ hơn 1.000 tỷ đồng; ba nhà mạng là Viettel, Mobifone, Vinafone thu lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng…
Ngày 30/11 vừa qua, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt ông Phan Văn Vĩnh mức án 9 năm tù; Nguyễn Thanh Hóa mức án 10 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tòa án xác định, các ông Vĩnh, Hóa đã bảo kê, bao che cho đường dây cờ bạc trên mạng của các bị cáo Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam; giúp đường dây này thu về gần 10.000 tỷ đồng trong 28 tháng hoạt động. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục điều tra hành vi nhận hối lộ của cựu tướng Phan Văn Vĩnh.
Loạt sếp ngân hàng dính vòng lao lý
Năm 2018 cũng là năm có nhiều biến động trong giới tài chính ngân hàng với việc một loạt sếp lớn của một số ngân hàng bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử.
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã bị khởi tố, bắt giam về tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV” vào ngày 29/11 vừa qua. Cùng bị khởi tố với ông Trần Bắc Hà còn có 3 bị can khác nguyên là phó tổng giám đốc BIDV, giám đốc chi nhánh, trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh.
Vào thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, đại gia Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam bị khởi tố thêm tội danh vì có hành vi gây thất thoát hơn 9.250 lượng vàng SJC và 81 tỷ đồng cho ngân hàng này. Trong vụ án trước đó, ông Trầm Bê bị tuyên án 4 năm tù giam.
Mới nhất, Ngày 20/12, TAND TPHCM tuyên án 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DAB) lãnh tổng mức án là tù chung thân…
Thương vụ Mobifone mua AVG: Dứt “duyên” nhưng chưa dứt “nợ”
Ngày 18/12, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG. Nhà mạng đã thu hồi hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ và các chi phí khác. MobiFone cũng đã trả lại 344,66 triệu cổ phần cho các cổ đông của AVG.
MobiFone - AVG mặc dù đã “dứt duyên” với việc khép lại thương vụ mua bán nghìn tỷ, song hậu quả của những hành vi sai phạm khi triển khai dự án vẫn chưa dứt với những diễn biến trong quá trình điều tra.
Vụ án tại MobiFone và Bộ TT&TT bắt đầu từ việc cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà và Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tiếp đến là ông Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám đốc và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc MobiFone cũng bị bắt giam để điều tra.
Cũng liên quan đến sai phạm trong thương vụ mua 95% cổ phần AVG, ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT do có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng. Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng bị Thủ tướng ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo Dương Lê (Tiền Phong)