Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên Đội trưởng Đội 2 PC52 cho chúng tôi biết. Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, cách đó hơn chục năm Nguyễn Văn Mạnh đã gây ra một vụ lừa đảo lớn ở Bắc Ninh, chiếm đoạt hàng tỷ đồng rồi trốn biệt tích vào các tỉnh phía Nam. Lực lượng điều tra đã theo sát dấu vết của đối tượng để lại, rà soát các mối quan hệ của đối tượng, đồng thời có mặt tại Bắc Ninh và nhiều tỉnh phía Nam như Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ... song đối tượng vẫn biệt tăm tích.
Người thân của Mạnh cho biết, mấy chục năm ròng rã đối tượng chưa một lần trở về quê cha đất tổ, cũng có thông tin Mạnh đã chết. Tuy nhiên, do đối tượng Mạnh chưa có lệnh đình nã nên các trinh sát vẫn tiếp tục công tác xác minh, tìm ra sự thật để có thể kết thúc vụ án. Bên cạnh đó, nếu như đối tượng đã chết thì sẽ được đưa vào diện thanh loại. Đây cũng là việc có ý nghĩa nhân văn cho bản thân đối tượng và gia đình.
Tiến hành xác minh, tổ công tác có được thêm nhiều thông tin đắt giá về đối tượng. Do sợ nếu bị bắt thì sẽ phải chịu trừng phạt của pháp luật, đối tượng Mạnh đã thực hiện việc thay đổi họ tên, các loại giấy tờ và lấy vợ sinh con ở TP.HCM. Đồng thời đối tượng cũng thường xuyên thay đổi chỗ ở, tìm mọi cách để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Cũng vì thế mà việc truy tìm một người không có ảnh nhận dạng, tên tuổi cũng bị thay đổi thực sự khó như thể mò kim đáy bể.
Dù có rất ít thông tin trong tay, tổ công tác của PC52 sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm bằng được những mối quan hệ của Mạnh. Người thân của anh ta đã tứ tán nên công việc này thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều ngày tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả, tổ công tác đã mua vé máy bay chuẩn bị ra Hà Nội.
Nhưng cách vài giờ xuất phát, các trinh sát nhận được một thông tin rất quý giá. Có cơ sở để tin rằng đối tượng Nguyễn Văn Mạnh sau khi trốn vào các tỉnh phía Nam đã đổi tên thành Nguyễn Tiên Long và hành nghề xe ôm để kiếm sống.
Khoảng năm 2005, trong khi đi đón khách, Long bị va chạm với một xe ô tô và tử vong. Khi đó đội CSGT quận Bình Tân (TP.HCM) đã thực hiện việc khám nghiệm hiện trường, làm hồ sơ để đưa người bị nạn về mai táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Nhận được những thông tin trên, tổ công tác Đội 2 đã khẩn trương có mặt tại đội CSGT huyện Bình Tân.
Trước đề nghị tìm lại hồ sơ của Nguyễn Tiên Long, chỉ huy đội cho biết, từ năm 2005 đến nay do đã thay đổi trụ sở đến 3 lần nên không chắc đã tìm được hồ sơ gốc.
Các trinh sát Đội 2 đã phải trực tiếp xắn tay để dò lại hàng ngàn hồ sơ tai nạn giao thông để tìm Nguyễn Tiên Long. Và phải cho đến ngày thứ ba tìm kiếm thì hồ sơ về Nguyễn Tiên Long mới được mở ra. Tiến hành so sánh các thông tin về quê quán, lấy lời khai những người liên quan, thực hiện biện pháp sinh trắc học... đã cho kết quả Nguyễn Tiên Long và Nguyễn Văn Mạnh chỉ là một người. Vậy là vụ án lừa đảo cuối cùng cũng được khép lại. Nguyễn Văn Mạnh được đưa vào diện thanh loại và được đình nã.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Tổng cục Cảnh sát trao thưởng cho cá nhân, tập thể đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truy bắt tội phạm. |
2. Trong chuyến công tác vào TP.HCM cuối năm 2013, trung tá Nguyễn Văn Phúc (cán bộ Đội 2 PC52) và đồng đội tìm ra một kẻ giết người nguy hiểm, đã bỏ trốn nhiều năm. Đối tượng Lê Văn Thắng (SN 1963, trú tại ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) bị cơ quan điều tra truy nã đặc biệt về hành vi giết người chỉ được tìm ra khi hắn đang... nằm im tại bệnh viện.
Trước đó, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, trinh sát Đội 2 PC52 sau khi bắt được một số đối tượng theo kế hoạch thì nhận được tin một đối tượng mang lệnh truy nã đặc biệt về tội danh giết người hiện đang điều trị trong bệnh viện tại TP.HCM. Được biết thời điểm đó đối tượng đang phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện sau một cơn tai biến. Nhưng làm thế nào để xác định được chính xác đối tượng bị truy nã giữa hàng chục bệnh viện của TP.HCM là điều không hề đơn giản.
Mất rất nhiều công sức, trinh sát Đội 2 mới xác định được đối tượng nhiều khả năng đang có mặt tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM). Tuy nhiên theo hồ sơ quản lý bệnh nhân của bệnh viện, các trinh sát không tìm được người nào có tên là Lê Văn Thắng, người miền Bắc đang điều trị ở đây.
Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa cán bộ điều tra diễn ra, và phương án được chọn là phải tiếp cận với từng bệnh nhân để tìm ra bằng được những đặc điểm có thể liên quan tới Thắng. Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, Trung tá Phúc cùng đồng đội đi từng giường để kiểm tra, sàng lọc những người thuộc diện nghi ngờ trong độ tuổi trên dưới 50.
Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng anh cũng xác định được một đối tượng có nhiều dấu hiệu khả nghi. Đối tượng này khoảng 50 tuổi, song lại mang họ Trần Văn Thắng, đăng ký thường trú tại TP.HCM. Tuy nhiên, về nhân dạng thì có nhiều điểm trùng với Lê Văn Thắng nên được “khoanh vùng” để kiểm tra.
Sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ, trung tá Phúc xác định đối tượng đúng là bị trọng bệnh, không có khả năng bỏ trốn. Đồng thời xác minh lại từ các bác sĩ điều trị, lực lượng truy bắt có thêm nhiều thông tin. Bệnh nhân tên Thắng này nhập viện một mình mà không có người nhà đi cùng. Dù lúc đó nhận thức của bệnh nhân đã bắt đầu giảm sút nhưng qua cách giao tiếp, các bác sĩ nhận định anh ta chắc chắn không phải là người miền Nam.
Khi bệnh nhân này vào viện một thời gian, có một người tới làm các thủ tục rồi bỏ đi. Trong suốt quá trình bệnh nhân Thắng điều trị tại đây, các bác sĩ hoàn toàn không hề nhìn thấy có người nhà tới trông nom, chăm sóc.
Trinh sát PC52 Công an TP.Hà Nội dẫn giải một đối tượng truy nã nguy hiểm về trụ sở. |
Mặc dù các bác sĩ khẳng định bệnh nhân này không hề có người nhà đi theo, tuy nhiên khi quan sát xung quanh giường bệnh nhân này đang nằm, trung tá Phúc và đồng đội nhận định, nhiều khả năng vẫn có người âm thầm chăm sóc bệnh nhân này bởi xung quanh chỗ người bệnh nằm vẫn có các vật dụng tiếp tế còn mới.
Tuy nhiên người đó là ai và có quan hệ như thế nào với bệnh nhân Thắng thì vẫn còn là một bí ẩn. Trả lời được câu hỏi này sẽ có căn cứ để khẳng định người bị nghi ngờ kia có phải là đối tượng đang bị cơ quan công an truy nã hay không.
Dò hỏi qua các người nhà các bệnh nhân nằm chung khu vực điều trị với bệnh nhân tên Thắng, các trinh sát được cung cấp một thông tin hết sức quan trọng - có một người đàn ông vẫn tới chăm sóc bệnh nhân này. Tuy nhiên anh ta không bao giờ ở lại lâu và luôn thoắt ẩn, thoắt hiện, hành tung rất bí ẩn, không mấy khi trò chuyện với người xung quanh. Người này có để lại một số điện thoại để nếu có công việc gấp thì sẽ nhờ mọi người xung quanh liên hệ cho anh ta đến.
Trong vai một bác sĩ của bệnh viện, trung tá Phúc yêu cầu người đàn ông này đến ngay bệnh viện để trao đổi về tình hình của bệnh nhân Thắng. Không lâu sau đó, người đàn ông lạ xuất hiện tại bệnh viện. Anh ta lập tức được giữ lại để khai thác thông tin về mối quan hệ với bệnh nhân tên Thắng. Từ đây những khúc mắc bí ẩn đã được làm sáng tỏ và thân phận của bệnh nhân tên Thắng cũng đã được làm rõ.
Qua khai thác nhanh tại chỗ, người đàn ông lạ cho biết, anh ta vốn là người gốc Hà Nội đã di cư vào TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vài ngày gần đây, anh bỗng nhận được một cuộc điện thoại của người quen, vốn là hàng xóm trước đây nhờ giúp đỡ một người bà con bị bệnh và phải nhập viện.
PC52 Hà Nội trao trả một đối tượng truy nã đặc biệt cho công an Trung Quốc. |
Khi tới nơi, anh ta mới nhận ra bệnh nhân tên Thắng cũng chính là người quen trước kia của mình, hai người đã từng có mối quan hệ bạn bè trước khi anh ta lên đường vào Nam. Anh ta đã lo mọi thủ tục để Thắng được nhập viện điều trị. Tuy nhiên, do thời gian này công việc bận rộn nên không thể dành nhiều thời gian để chăm sóc Thắng mà chỉ ghé thăm được những lúc rảnh rỗi.
Ngoài ra người này còn cung cấp thêm một thông tin hết sức quan trọng khác. Đó là lúc thay quần áo của bệnh viện cho Thắng, anh ta thấy rơi ra từ người của Thắng một chiếc chứng minh thư nhân dân và đã cất đi. Khi được người đàn ông này đưa lại chiếc chứng minh thư nhân dân, thông tin trên chiếc chứng minh thư này hoàn toàn trùng khớp với thông tin trên tờ lệnh truy nã của Công an quận Đống Đa.
Tuy nhiên, để khẳng định một cách chắc chắn và có cơ sở khoa học xem người trong chứng minh thư và bệnh nhân Thắng có phải là một hay không còn phải thực hiện các biện pháp sinh trắc học. Kết quả cuối cùng cho thấy bệnh nhân có tên Trần Văn Thắng chính là Lê Văn Thắng, người đã bị ra lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người cách đấy 6 năm.
Được biết do đối tượng Lê Văn Thắng hiện không còn đủ năng lực hành vi để chịu trách nhiệm trước pháp luật nên Thắng đã được đình nã, tiếp tục điều trị bệnh.
Công an Hà Nội dẫn đầu cả nước về đấu tranh với tội phạm truy nã Trong hơn 10 năm trở lại đây, Công an thành phố Hà Nội là địa phương có kết quả bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã đứng đầu toàn quốc. Nhiều biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế phát sinh nên số đối tượng truy nã hiện đã giảm được hàng trăm đối tượng. Riêng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Nội, tính đến đầu năm 2016 đã bắt, vận động đầu thú được 447 trường hợp truy nã trong đó có 74 đối tượng truy nã đặc biệt, 70 đối tượng nguy hiểm. Những vụ bắt đối tượng truy nã điển hình của Công an thành phố Hà Nội phải kể đến vụ truy bắt Dương Hoàng Dũng (tức Dũng “ben”). Đây là đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về các tội giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản; vụ truy bắt Nguyễn Văn Đức (tức Đức “Cổ Lễ”), đối tượng bị Công an TP.HCM ra quyết định truy nã nguy hiểm ngày 26.3.2014 về tội cố ý gây thương tích. Hay vụ bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Quốc Hùng (tức Hùng “lô”, ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)... |