Những chiêu hiểm lừa đảo bằng thủ đoạn 'chạy án'

20/12/2024 09:08:49

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy án” đang diễn biến phức tạp trên nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn “chạy án”.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả mạo người thân, người quen của cán bộ đang công tác tại các cơ quan thực thi pháp luật khiến người thân của những người đang vướng vòng lao lý tin tưởng, đưa cho các đối tượng số tiền lớn…

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt giữ Nguyễn Văn Lưu (SN 1994, trú huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) sau khi chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người để… “chạy án”, khi đối tượng này đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh.

Những chiêu hiểm lừa đảo bằng thủ đoạn 'chạy án'
Bị cáo Đậu Quang Dũng bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt 13 năm tù sau khi nhận số tiền hơn 2,5 tỷ đồng để “chạy án”.

Theo cơ quan điều tra, trước đó, tin vào lời của Lưu, người nhà của các bị can trong một số vụ án đã đưa cho Lưu nhiều lần với số tiền 2,5 tỷ đồng để nhờ chạy giảm án hoặc xin được tại ngoại (thay vì đang bị tạm giam). Quá trình điều tra xác định, sau khi tìm hiểu mối quan hệ từ người thân của các bị can đang trong giai đoạn điều tra, Lưu đã “nổ” với những người này là có mối quan hệ với các cơ quan chức năng, có thể “chạy chọt” xin giảm án cho các bị can.

Tin vào lời của Lưu, một số người nhà của bị can đã đưa cho Lưu nhiều lần với số tiền 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền vừa kể, Lưu đã không thực hiện theo lời hứa mà đã chiếm đoạt để sử dụng tiêu xài cá nhân. Một số nạn nhân sau thời gian dài đưa tiền cho Lưu nhưng không thấy người thân mình được giảm án hoặc được tại ngoại như lời hứa ban đầu, tìm gặp Lưu để xin lấy lại tiền thì Lưu không đồng ý.

Sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của nạn nhân, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương điều tra truy xét và bắt giữ Lưu khi hắn ta đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Qua điều tra bước đầu, Lưu thừa nhận không hề thân thiết với các cơ quan chức năng như đối tượng “nổ” với các bị hại.

Trước vụ án vừa kể, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa ra xét xử một số vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn “chạy án”, trong đó có  vụ bị cáo Đậu Quang Dũng (SN 1957, trú TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đậu Quang Dũng từng công tác tại VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó chuyển công tác đến VKSND tối cao. Năm 2019, con trai của bà Nguyễn Thị Ngọc L. (SN 1958, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) là bác sĩ Lê Quang Huy Phương bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế khởi tố, bắt tạm giam về các tội “Hiếp dâm”, “Cố ý gây thương tích” và “Bắt giữ người trái pháp luật” nên bà L muốn tìm luật sư giỏi để bào chữa cho Phương. Khoảng cuối năm 2019, thông qua người cháu giới thiệu nên bà L tìm đến nhà Dũng ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, bà L trình bày với Dũng nội dung vụ án liên quan đến Phương, đồng thời nhờ Dũng giúp. Sau khi nghe bà L trình bày, Dũng nói trong vụ án này, Công an TP Huế có oan sai và hứa hẹn sẽ giúp đỡ bà L tác động ra Trung ương đến các cơ quan tố tụng để kêu oan cho Phương.

Sau đó, Dũng đã liên hệ với 2 luật sư để họ trực tiếp liên hệ với bà L và đăng ký thực hiện việc bào chữa theo quy định của pháp luật cho Phương. Quá trình trao đổi với bà L về vụ án của Phương, Dũng nhiều lần đưa ra thông tin rằng Phương sẽ được… thả về. Liên tục từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021, Dũng yêu cầu bà L 10 lần chuyển khoản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng để Dũng lo chi phí trong việc “kêu oan” cho Phương. Số tiền này, Dũng chuyển khoản cho 2 luật sư 70 triệu đồng là chi phí bào chữa cho Phương và hơn 2,4 tỷ đồng còn lại, Dũng chiếm đoạt và tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn phạm tội này, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt Dũng 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cộng với 12 năm tù tại bản án ngày 13/6/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội, tổng hình phạt bị cáo phải chịu là 25 năm tù.

Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Trần Phước Trọng Nhân (SN 1996, trú phường Hương Sơ, TP Huế, Thừa Thiên Huế). Do cần tiền mua xe ôtô kinh doanh dịch vụ du lịch, nên khi nghe tin bạn cũ là Lương Hoàng Nh.N. (SN 1996, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) bị bắt trong một vụ án hình sự, Nhân đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản người thân của N. Nhân liên lạc với vợ N là chị Trần Thị Th.L. và nói rằng mình có quen biết nhiều người làm Công an và Viện Kiểm sát có thẩm quyền giải quyết cho N được tại ngoại; đồng thời, yêu cầu chị L chuyển vào tài khoản của Nhân 500 triệu đồng.

Sau khi có tiền, Nhân trực tiếp liên hệ 2 người và chuyển tiền lần lượt 10 triệu và 50 triệu đồng nhưng bị từ chối và trả lại tiền vì không thể giúp cho N tại ngoại. Số tiền có được, Nhân trả nợ mua ôtô hơn 320 triệu đồng, trả nợ tiền vay mượn và tiêu xài cá nhân. Đến hẹn, chị L liên hệ với Nhân để hỏi thì Nhân trả lời, không thể giúp được. Biết mình bị lừa nên chị L làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Lúc này, Nhân tác động gia đình trả lại toàn bộ số tiền 500 triệu đồng cho bị hại. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt Trần Phước Trọng Nhân 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Một điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua công tác điều tra các vụ án lừa đảo với thủ đoạn “chạy án” cho thấy, nhận thức của không ít người dân còn hạn chế nên khi bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc hoặc đã bị xử lý về mặt pháp luật thì họ thường tìm kiếm các mối quan hệ để tác động nhằm “miễn, giảm” trách nhiệm hình sự. Để phòng ngừa loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến nghị, việc các cơ quan chức năng bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án... sẽ được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, không ai có thể can thiệp nên mọi người hết sức lưu ý tránh các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Hải Lan (CAND Online)

Nổi bật