Những bất thường trong tố tụng vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan

12/12/2021 08:44:23

TAND cấp cao tại TP.HCM khi huỷ án đã nhận định, việc xác định hành vi của bị cáo Nguyễn Hồng Khanh là chưa đủ cơ sở, không phù hợp quy định pháp luật và vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến năm 2015, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị uỷ TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) 4 lần mua đất tại TX.Bến Cát của bà Hồ Thị Hiệp (SN 1947). Trong những lần đó, giữa bà Hiệp và vợ chồng ông Khanh làm thủ tục tại văn phòng công chứng, có xác nhận của đại diện Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn, do giấy tờ khu đất được bà Hiệp thế chấp vay ngân hàng.

Giữa tháng 10/2016, sau khi bà Hiệp qua đời, con trai là Nguyễn Hiệp Hoà có đơn tố cáo ông Nguyễn Hồng Khanh cấu kết cùng cán bộ ngân hàng o ép, buộc bà Hiệp bán đất rẻ. Công an Bình Dương vào cuộc, khởi tố ông Khanh và hai cán bộ ngân hàng.

Động thái kỳ lạ của cơ quan tố tụng

Ngày 16/10/2016, ông Nguyễn Hiệp Hoà gửi đơn tố cáo ông Khanh đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương. Đáng nói, tại phiên toà sơ thẩm, ông Hoà có lời khai rằng, gửi đơn tố cáo tại phòng bảo vệ của công an tỉnh. Thế nhưng, hồ sơ vụ án thể hiện, trong cùng ngày 16/10/2016 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện KSND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định phân công điều tra viên và kiểm sát viên phụ trách giải quyết đơn tố cáo của ông Hòa.

Những bất thường trong tố tụng vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan
Cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh kêu oan và hiện tại vụ án quay lại giai đoạn điều tra ban đầu

Đến ngày 18/10 (tức sau đó 2 ngày) cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương mới thụ lý đơn tố cáo và ban hành thông báo về việc tiếp nhận tin báo tội phạm; trong khi bình thường quy trình phải là thụ lý đơn trước, sau đó mới phân công cán bộ giải quyết đơn tố cáo.   

Theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau 20 ngày kể từ khi nhận được tin tố giác, nếu không xác minh được hành vi phạm tội như tố giác và không có văn bản đề nghị của Viện KSND cùng cấp có thẩm quyền về việc gia hạn thời hạn xác minh, kiểm tra thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong vụ án này, phải đến ngày 12/3/2018, tức gần 17 tháng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Bản án của TAND cấp cao tại TP.HCM khi tuyên huỷ án, đề cập tình tiết này và nhận định rằng, cơ quan CSĐT tỉnh Bình Dương đã vi phạm thủ tục tố tụng. 

Trong vụ án, toà cấp sơ thẩm cáo buộc ông Khanh và hai cán bộ ngân hàng phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. Nhưng VKSND cấp cao cho rằng cáo buộc này là không phù hợp, vì vụ việc có liên quan đến tài sản thế chấp là tài sản của cá nhân bà Hiệp, chứ không liên quan đến tài sản Nhà nước.

TAND cấp cao cũng nhận định, cáo buộc của cấp sơ thẩm là chưa đủ cơ sở. Bởi căn cứ vào hợp đồng giữa bà Hiệp và BIDV là thế chấp quyền sử dụng đất, không giao tài sản là diện tích đất cho phía ngân hàng. Đại diện BIDV cũng xác nhận "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại ngân hàng không phải là tài sản của ngân hàng, mà vẫn là tài sản thuộc quản lý, sử dụng của bà Hiệp”

Những bất thường trong tố tụng vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan - 1
 Ngày 16/10/2016, ông Nguyễn Hiệp Hoà nộp đơn tố cáo ông Nguyễn Hồng Khanh thì trong ngày hôm đó, các cơ quan tố tụng Bình Dương ra ngay quyết định phân công điều tra viên, kiểm sát viên phụ trách giải quyết tố cáo

Hồ sơ thể hiện, do bà Hiệp nợ lâu không trả được, có đơn xin phía ngân hàng bán tài sản thể chấp để trả nợ và đại diện ngân hàng đã đồng ý. Thủ tục mua bán giữa bà Hiệp và vợ chồng ông Khanh được xác lập ở văn phòng công chứng cùng đại diện ngân hàng giữ tài sản chuyển nhượng, có ký xác nhận.

Ngoài ra còn có sự 'nhẫm lẫn' khó tin, bởi khi xảy ra vụ án (từ tháng 12/2012 trở đi) BIDV đã hoàn tất việc cổ phần hoá, Nhà nước chỉ là một cổ đông. Nhưng trong vụ án này cơ quan CSĐT và cấp toà sơ thẩm vẫn xác định, đối tượng tài sản bị tác động, xâm hại là tài sản Nhà nước.

Các bị cáo đồng loạt kêu oan

Ngoài ông Nguyễn Hồng Khanh, trong vụ án có 2 bị cáo khác cũng kêu oan là ông Nguyễn Huy Hùng (nguyên Giám đốc chi nhánh) và Nguyễn Quang Lộc (nguyên Phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn). Khi xét xử sơ thẩm, ông Khanh bị tuyên 10 năm tù, còn hai người trên lần lượt là 11 và 12 năm tù.

Đến nay khi vụ án bị tuyên trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, người 'đầu vụ' như ông Khanh được tại ngoại sau hơn 2 năm tạm giam, trong khi 2 cán bộ ngân hàng vẫn bị tạm giam.

Trong vụ án này, cấp sơ thẩm cáo buộc ông Khánh là đồng phạm giúp sức, cấu kết cùng hai cán bộ ngân hàng gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thực tế hồ sơ vụ án thể hiện lại rất khác và Viện KSND và TAND cấp cao đã chỉ ra những bất thường.

Theo đó, trước khi bán đất để giải quyết nợ ngân hàng, bà Hiệp có đơn xin bán tài sản đang thế chấp và được phía ngân hàng đồng ý. Bà Hiệp có đăng báo rao bán đất. Đặc biệt nhân chứng của vụ án, ông Nguyễn Hữu Trọng là người môi giới có bút lục khai, về phần đất bà Hiệp muốn bán, ông và đồng nghiệp trong nghề có giới thiệu cho nhiều người. Ông Khanh chỉ là một trong số khách hàng mà ông dẫn đi xem đất...

Những bất thường trong tố tụng vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan - 2
 Ngoài cựu Bí thư TX.Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh, hai cán bộ ngân hàng trong vụ án cũng kêu oan

Trong đơn xin ngân hàng để bán đất, bà Hiệp có viết “…tình hình bất động sản đóng băng, có rất nhiều người bán, nhưng lại có rất ít người mua, giá mua lại rất thấp. Hiện nay chỉ có đối tác là ông Nguyễn Hồng Khanh mua được giá cao nhất…”.

Hai cán bộ ngân hàng có nhiều bút lục khai, không quen biết với ông Khanh. Việc thoả thuận giá cả đất là do bà Hiệp, ông Khanh bàn với nhau, cán bộ ngân hàng không tham gia.

Ông Nguyễn Hồng Khanh khi đó không biết về khoản nợ của bà Hiệp với ngân hàng, chỉ biết mua đất xác thực tại văn phòng công chứng, cán bộ ngân hàng ký xác thực là đại diện cho đơn vị đang giữ tài sản thế chấp. Việc thoả thuận một phần tiền gửi vào tài khoản và một phần đưa tiền mặt là chuyện giữa ông Khanh và bà Hiệp.

Trong vụ án này, tình tiết gây thất thoát tài sản Nhà nước là do bà Hiệp đã bán tài sản thế chấp nhưng chỉ trả một phần nợ cho ngân hàng. Ông Khanh trong các lời khai thể hiện, không biết, không liên quan đến khoản vay của bà Hiệp.

Khi công bố hủy án, Toà cấp cao cho rằng, cấp sơ thẩm xác định hành vi của bị cáo Nguyễn Hồng Khanh là chưa đủ cơ sở, không phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài ra, ông Khanh còn dính vào cùng một lúc ba vụ án có dấu hiệu oan sai, tạo dựng…

(Còn tiếp)

Theo Linh An (VietNamNet)