Nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 29-07D nhận tiền để bỏ qua lỗi phương tiện

28/07/2024 09:24:46

Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D, do có hành vi nhận hối lộ trong quá trình kiểm định xe cơ giới…

Cụ thể, xác định 6 bị cáo đã phạm tội “Nhận hối lộ” như cáo trạng quy kết, TAND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã quyết định tuyên phạt Lê Thành Chung (SN 1982, cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D) mức án 36 tháng tù; Hoàng Tuấn Anh (SN 1983, cựu Phó Giám đốc trung tâm) 32 tháng tù.

Các đăng kiểm viên còn lại của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D là Đào Huy Chung (SN 1977), Lê Huy Ngọc (SN 1989) cùng bị tuyên phạt 30 tháng cho hưởng án treo và Đỗ Văn Huân (SN 1992), Nguyễn Văn Hùng (SN 1984) đều bị xử phạt 28 tháng cho hưởng án treo.

Nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 29-07D nhận tiền để bỏ qua lỗi phương tiện
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án do Thẩm phán Nguyễn Lâm Bình làm chủ tọa.

Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-07D là đơn vị thuộc Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị xe cơ giới BTAS, có trụ sở tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội). Bà Đỗ Thị Chung là Giám đốc Công ty BTAS, Lê Thành Chung làm giám đốc Trung tâm và Hoàng Tuấn Anh là Phó giám đốc.

Dưới sự đồng ý của Lê Thành Chung, trong quá trình khách hàng đến đăng kiểm tại Trung tâm 29-07D, các đăng kiểm viên Hoàng Tuấn Anh, Đào Huy Chung, Lê Văn Ngọc, Đỗ Văn Huân, Nguyễn Văn Hùng đã bỏ qua các lỗi của phương tiện để nhận tiền.

Cụ thể, khoảng năm 2020, các đăng kiểm viên có báo lại với Lê Thành Chung việc khách hàng đến đăng kiểm đưa tiền cảm ơn. Lê Thành Chung có trao đổi và thống nhất với đăng kiểm viên Đào Huy Chung (có nghiệp vụ tốt và uy tín trong Trung tâm) đồng ý cho thu tiền của khách. Sau đó, các đăng kiểm viên thực hiện theo.

Nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 29-07D nhận tiền để bỏ qua lỗi phương tiện - 1
Các đăng kiểm viên trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Bản thân Lê Thành Chung có một thời gian trực tiếp đứng kiểm định tại dây chuyền xe con thì thấy khách hàng đến đăng kiểm đưa tiền bằng hình thức để tiền tại ghế phụ, hốc gạt tàn xe… để được bỏ qua lỗi.

Các lỗi thường được bỏ qua là lốp mòn, thiếu lốp, đèn nứt vỡ, xi nhan không sáng 1 bên, phanh không đạt tiêu chuẩn, không đạt về khí thải, giảm chấn dơ lỏng, ốc nhíp dơ, cao su thước lái rách…

Các đăng kiểm viên sau khi nhận tiền thì tập hợp để tại bàn máy tính. Cuối ngày bị cáo Đào Huy Chung tập hợp tiền và cùng bị cáo Tuấn Anh hoặc Lê Văn Ngọc kiểm đếm, rồi chia đều cho 6 người.

Ngoài ra, ngày làm việc thứ 7, Hoàng Tuấn Anh là người tập hợp tiền rồi hàng tháng chia cho các nhân viên phòng nghiệp vụ mỗi người 500.000 đồng.

Việc thu tiền diễn ra đến cuối năm 2022 thì bị cơ quan công an phát hiện. Tổng số tiền các bị cáo đã nhận hối lộ là 470 triệu đồng. Trong đó, bị cáo Lê Thành Chung đã nhận 95 triệu đồng, các bị cáo còn lại nhận từ 50-90 triệu đồng.

Ông Phạm Thanh Hải (bảo vệ Trung tâm) khai hàng tuần, hàng tháng nhận tiền được bọc băng dính bên ngoài do Đào Huy Chung đưa để chuyển cho bà Đỗ Thị Chung là Giám dốc Công ty BTAS. Việc đưa tiền chỉ có 2 người, không có sổ sách ghi chép.

Tuy nhiên, bà Chung không thừa nhận. Bà Chung khai không họp, không giao khoán các đăng kiểm viên phải thu tiền về công ty, không chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm.

Bị cáo Đào Huy Chung xác nhận lời khai này của bà Chung và phủ nhận việc đưa tiền cho ông Hải để giao cho nữ giám đốc doanh nghiệp. Do đó, CQĐT xác định không đủ cơ sở xác định bà Đỗ Thị Chung nhận tiền của các đăng kiểm viên và không xử lý đối với bà này cùng ông Phạm Thanh Hải.

Theo Minh Long (An Ninh Thủ Đô)