Theo dự kiến, ngày 21/9 tới đây, TAND TP.HCM sẽ tiến hành xét xử đối với bà Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân và các đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trong quyết định xét xử, TAND TP.HCM cũng triệu tập nhiều người tới tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cụ thể gồm các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo - luật sư, thạc sĩ luật Hàn Ni), Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), Ðinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Việt Hà, Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam), Nguyễn Đình Kim.
Không đồng tình với việc xác định tư cách tham gia tố tụng của tòa đối với vụ án, ông Nguyễn Đức Hiển, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bà Lê Thị Giàu, Đinh Thị Lan và nhiều người khác đã có đơn kiến nghị gửi TAND TP.HCM về việc này.
Theo viện dẫn, tại bản cáo trạng số 236 ngày 25/4/2023 của VKSND TP.HCM xác định "Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn thông tin bịa đặt, sai sự thật; có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của họ.
Vì vậy, toà án không công nhận tư cách bị hại của họ mà xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, qua đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ".
Nêu quan điểm về các kiến nghị trên, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ án hình sự, bị hại (quy định tại Điều 62 BLTTHS) là người bị thiệt hại trực tiếp do tội phạm gây ra, khác với người liên quan (quy định tại Điều 65 BLTTHS) là người có thể có thiệt hại nhưng không do tội phạm trực tiếp gây ra.
“Liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều cá nhân bị thiệt hại trực tiếp. Họ bị nêu đích danh tên tuổi, tức là họ bị xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp. Họ có yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và vật chất bằng tiền.
Tôi cho rằng, có đầy đủ các yếu tố để xác định họ là bị hại theo Điều 62. Nếu xác định họ là người có quyền nghĩa vụ liên quan, là không đảm bảo về tố tụng hình sự để giải quyết vụ án”, luật sư Trần Đình Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với luật sư Dũng, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, nếu những người đó có bị thiệt hại, có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần thì phải coi họ là bị hại trong vụ án.
Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan tố tụng không đưa họ vào với tư cách là bị hại thì họ có quyền khiếu nại và yêu cầu cơ quan tố tụng xác định họ với tư cách là người bị hại.
Bởi, người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường tổn hại về tinh thần, vật chất và có quyền kháng cáo đối với bản án, mức án của các bị cáo. Còn người có quyền lợi liên quan không có quyền kháng cáo đến mức hình phạt hình sự.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)