Nhiều người vẫn sập bẫy 'việc nhẹ lương cao'

12/03/2023 10:57:17

Dù cơ quan Công an đã liên tiếp cảnh báo, nhưng nhiều người dân vẫn mất cả trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ đồng bởi "sập bẫy" chiêu trò làm cộng tác viên online cho các công ty, sàn thương mại điện tử.

Lấy ra bộ hồ sơ liên quan đến vụ án lừa đảo với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” để minh chứng với chúng tôi, cán bộ Đội phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội cho biết, một trong những nạn nhân mới nhất là chị T ở quận Hoàn Kiếm. Số tiền 2,5 tỷ đồng chị T bị các đối tượng lừa đảo với hình thức cộng tác viên bán hàng cho sàn thương mại điện tử, có lẽ sẽ khó có thể tìm lại được trong một sớm một chiều.

Khi đến Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị T cho biết, nhận được lời mời làm cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử. Với những nhiệm vụ được giao ở từng tầng, nấc khác nhau, kèm theo số tiền phải đối ứng mỗi lúc một lớn hơn, chị T sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được nhận tiền hoa hồng của người thuê.

Chỉ trong vòng 5 ngày, chị T đã chuyển khoảng 2,5 tỷ đồng để làm nhiệm vụ nhưng không nhận được tiền hoa hồng. Gọi điện liên tục nhưng số máy mà người giao “nhiệm vụ” cho chị T luôn trong tình trạng “thuê bao hiện không liên lạc được”. Lúc này, chị T mới biết mình bị lừa và vội đến cơ quan Công an trình báo.

Nhiều người vẫn sập bẫy 'việc nhẹ lương cao'
Nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn mạo danh lực lượng, cơ quan chức năng để gây án.

Cũng với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”, trả hoa hồng hậu hĩnh khi làm các “nhiệm vụ” trên những sàn giao dịch điện tử, chuyển hàng hóa, cuối tháng 2 vừa qua, thêm một phụ nữ ở quận Hoàng Mai đã bị lừa số tiền 700 triệu đồng. Khi đến Công an phường Trần Phú, quận Hoàng Mai trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị H cho biết có nhận được lời mời đầu tư quảng cáo cho một hãng thời trang. Khi làm nhiệm vụ, chị H sẽ được thưởng hoa hồng là 30%. Chị H đã chuyển 700 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng không nhận được tiền hoa hồng. Lúc này, chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

“Đắng chát” không kém chị T là một phụ nữ tên K ở quận Đống Đa cũng mất hơn 1 tỷ đồng với thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao. Khi đến Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa trình báo, bị hại cho biết, có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói chị K có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Quá lo sợ nên chị K đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị K phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng nên đến cơ quan Công an trình báo.

Nếu như thủ đoạn lừa đảo trên đã quá cũ nhưng vẫn có những nạn nhân mới, thì mới đây, Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức thu đổi ngoại tệ. Trước đó, ngày 1/3/2023, Công an quận Tây Hồ nhận được đơn trình báo của chị N.T.T (SN 1989, trú tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về việc chị T bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả là khách hàng cần thu đổi và thanh toán đồng Nhân dân tệ xảy ra tại phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Nhiều người vẫn sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' - 1
Một số đối tượng lừa đảo với hình thức chuyển, đổi ngoại tệ bị Công an quận Tây Hồ bắt giữ.

Ngay khi nhận được tin báo, Công an quận Tây Hồ đã khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra. Đến 19h cùng ngày, đã đấu tranh, làm rõ các đối tượng gồm: Nguyễn Minh Nghĩa (SN: 1992, HKTT: Đông Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang), Hoàng Tiến Dũng (SN: 1987, HKTT: Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội); Phan Hà Hải (SN:1995, HKTT: Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội); Vũ Văn Việt (SN: 1992, HKTT: Trà Định, Kiến Xương, Thái Bình); Trần Minh Hải (SN: 1997, HKTT: Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) và Doãn Tiến Mạnh (SN: 1992, HKTT: Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội).

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, do không có việc làm ổn định, cần tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định giả làm khách hàng cần thanh toán tiền mua hàng hóa tại Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Sau khi bàn bạc thống nhất, các đối tượng đã đến gặp chị N.T.T để nhờ chị T chuyển tiền Nhân dân tệ vào tài khoản tại một ngân hàng ở Trung Quốc do các đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, sau khi chị T chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng lấy lý do tài khoản ngân hàng Trung Quốc chưa nhận được tiền nên không trả tiền mặt cho chị T rồi bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền 430 triệu đồng của bị hại.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối tượng Phan Hà Hải, Vũ Văn Việt, Trần Minh Hải, Hoàng Tiến Dũng để tiếp tục điều tra làm rõ; tổ chức truy bắt các đối tượng bỏ trốn, xử lý nghiêm theo quy định.

Thông tin với PV, Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Điều tra Trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, câu chuyện “việc nhẹ lương cao”, hay như giả danh các lực lượng Công an, Tòa án… để gọi điện dọa dẫm, lừa đảo chuyển tiền, tài khoản nhằm phục vụ “nhiệm vụ điều tra” đã xảy ra từ nhiều năm nay. Phòng CSHS cũng như Công an các quận, huyện, phòng nghiệp vụ có liên quan đã liên tục phát đi những cảnh báo, song vẫn có người dân bị lừa đảo. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Đáng chú ý, thời gian gần đây, số tiền mà những bị hại này bị lừa đảo ngày càng lớn.

Cũng theo đại diện Phòng CSHS, tuyệt đối không có chuyện cơ quan Công an gọi điện thoại thông báo, yêu cầu người dân cung cấp số tài khoản ngân hàng hay chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng nào đó… Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương đến tận tay người dân. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân tuyệt đối không được cung cấp tài khoản, mã OTP hay chuyển tiền vào những tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Riêng ổ nhóm tội phạm lừa đảo chuyển tiền bị Công an quận Tây Hồ điều tra, bắt giữ, thủ đoạn gây án có thể xem là khá mới. Sau quãng thời gian các hoạt động “đóng băng” vì dịch COVID-19, hiện hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương, trao đổi, mua bán, chuyển tiền… đã tấp nập trở lại.

Người dân khi nhận được những lời đề nghị, rủ rê chuyển, đổi tiền qua các ngân hàng, nhất là những ngân hàng ở nước ngoài cần hết sức cảnh giác. “Chuyển tiền đi thì dễ, song để lấy lại được tiền từ những ngân hàng này, nhất là không rõ các đối tượng tội phạm là ai, chúng liên tục chuyển tiền của bị hại qua nhiều tài khoản khác nhau hoặc rút ra ngay, thì đây là việc khó khăn vô cùng”- lãnh đạo Phòng CSHS khuyến cáo.

Theo Hoàng Phong (CAND Online)