Là bị cáo đầu tiên được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án kéo dài, Trần Văn Tám - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mở lời bằng việc xin lỗi Đảng, Nhà nước.
Theo bị cáo, Đảng, Nhà nước đã đào tạo, bồi dưỡng giúp đỡ bị cáo trong quá trình học tập, làm việc, trưởng thành, nhưng hôm nay lại phải đứng tại tòa.
Cựu Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám nhận toàn bộ trách nhiệm, song cho hay bản thân không vụ lợi cá nhân. Ngoài mong tòa xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm cho mình, bị cáo Tám còn xin giảm án cho 21 bị cáo liên quan.
Theo bị cáo Tám, các bị cáo trong vụ án đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt tình lăn lộn ngoài công trình để hoàn thành cao tốc đúng tiến độ như cam kết với nhà tài trợ Quốc tế. “Hôm nay họ ngồi đây, không thể nào ngờ rằng trước đó từng vui mừng vì hoàn thành nhiệm vụ” - bị cáo Trần Văn Tám nói.
Được nói lời sau cùng, cấp phó của bị cáo Tám là bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc VEC) đếm được đã hơn 650 ngày trôi qua, kể từ khi bị cáo này nói lời sau cùng trong vụ án ở giai đoạn 1. Từ đó đến nay, bị cáo luôn trăn trở, hối hận nhiều.
Cựu Phó tổng giám đốc VEC nhìn nhận, bản thân và 21 bị cáo đứng tại tòa đều là những “con người kỹ thuật”, rạch ròi đúng sai. “Dân kỹ thuật thường cứng nhắc, khô khan đến nỗi người nhà còn phải nói chúng tôi thiếu thiếu mềm dẻo, dễ thiệt thân nhưng chúng tôi tự hào, dân kỹ thuật chỉ biết say mê làm việc”, bị cáo Hùng nói.
Trong vụ án này, bị cáo Hùng là một trong 6 cựu lãnh đạo, cán bộ VEC bị xét xử ở cả 2 giai đoạn.
Bị cáo chia sẻ, 36 bị cáo thuộc giai đoạn 1 và 22 bị cáo ở giai đoạn 2 đều coi việc được làm dự án cao tốc trọng điểm Quốc gia là một vinh dự trong đời. “Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nên tôi và đồng nghiệp chỉ mong thực hiện nhiệm vụ, sớm đưa cao tốc vào khai thác để mang lại hiệu quả phát triển đất nước” - bị cáo Hùng bày tỏ.
Theo cựu Phó tổng giám đốc VEC, hiệu quả của con đường đã được minh chứng, mang lại những lợi ích không đong đếm được bằng hiệu quả kinh tế.
“Dù đã cố gắng hết mức nhưng nay chúng tôi vẫn sai, vẫn đứng ở đây, nói lời sau cùng đến lần thứ hai”, dứt lời, bị cáo Hùng mong tòa đưa ra phán quyết khoan hồng, nhân đạo, “đặc biệt 6 anh em đã bị xét xử đến lần thứ hai” vì tất cả đều có vi phạm, song “hoàn toàn có mục đích trong sáng”.
Đến lượt mình, cựu Giám đốc chất lượng, nhà thầu thi công gói thầu A4, Đỗ Quốc Vượng bày tỏ, được làm cao tốc này, với bị cáo không chỉ là vinh dự, mà còn là một dấu ấn mà những người làm xây dựng muốn để lại trong đời. Dù đặc thù công việc vất vả, xa nhà, vợ con, cha mẹ và không ai chăm sóc nhưng bị cáo và các đồng nghiệp luôn hết mình vì đất nước và công việc, không phút giây vụ lợi.
Trong lời nói sau cùng tại tòa, nhiều bị cáo đã bật khóc khi nghĩ tới gia đình, trong đó có bị cáo Đỗ Viết Thiết, cựu Giám đốc chất lượng, nhà thầu thi công gói thầu A4.
Bị cáo Thiết tâm tư, chiều muộn hôm 19-10, bị cáo nhận đề nghị án, suốt đêm không ngủ, trăn trở không phải vì sắp đối diện bản án, mà nghĩ đến mẹ, người đã âm thầm hy sinh cả thanh xuân cho con cái, nhưng chưa một ngày bị cáo báo đáp. Một đời mẹ làm vợ liệt sĩ, nay con làm xây dựng, đi làm ngày đêm, chưa có dịp báo ơn mẹ lại sắp vào tù. Trong nước mắt, bị cáo Thiết mong được hưởng khoan hồng tối đã để sớm có cơ hội trở về báo đáp đấng sinh thành.
Chiều muộn ngày Chủ nhật (22-10), các bị cáo trong vụ án còn lại cũng lần lượt được nói lời sau cùng. Tất cả đều bày tỏ mong muốn được các cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng về hành vi bị truy tố và được hưởng chính sách khoan hồng, nhân văn đặc biệt của pháp luật.
Trước đó, quá trình xét xử vụ án, Viện KSND TP Hà Nội truy tố bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc VEC) cùng lúc 2 tội danh là “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời đề nghị Tòa án Hà Nội tuyên phạt tổng mức án từ 5 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù.
Cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện kiểm sát (VKS) đề nghị bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc VEC) từ 3-4 năm tù; bị cáo Lê Quang Hào (cựu Phó tổng giám đốc VEC) từ 2-3 năm tù.
Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc VEC) bị đề nghị mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 60 tháng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, các bị cáo khác lần lượt bị đề nghị mức án từ 24-30 tháng tù cho hưởng án treo đến mức án 7 năm 6 tháng tù, đều về tội “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Lâm Vinh (An Ninh Thủ Đô)