Khác với mâu thuẫn vợ chồng, những trường hợp mâu thuẫn giữa bố, con, anh, chị, em đa số đều bắt nguồn từ những tranh chấp tài sản, quyền thừa kế và các va chạm về kinh tế khác.
Câu hỏi này luôn ám ảnh các cơ quan chức năng sau mỗi vụ án mạng xảy ra, bởi hầu hết sự việc đều bắt đầu từ những va chạm, xích mích và những nguyên nhân không đáng có giữa những người thân trong gia đình, dòng tộc.
Ảnh minh họa. |
Những vụ án mạng đau lòng
Sáng 6/9, bà Mai được người dân xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phát hiện đã tử vong tại nhà riêng, trên cổ có vết thương. Ngay sau đó, cơ quan công an xác định bà bị chồng là ông Vũ Xuân Tuấn sát hại đêm 5/9. Trong ngày 6/9, nghi can Vũ Xuân Tuấn đã đến Công an huyện Sóc Sơn đầu thú, khai do mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm vợ chồng nên đã ra tay sát hại vợ mình.
Tìm hiểu thêm thông tin về những vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn trong gia đình, phóng viên được biết cách đây không lâu, tại ngõ 126 phố Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã xảy ra vụ chồng dùng chân ghế bằng gỗ đánh vợ đến chết.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cặp vợ chồng anh Nam và chị Hoa ở thời điểm xảy ra án mạng mới chỉ ở độ tuổi ngoài 20. Nhìn cách sinh hoạt và giao tiếp của đôi vợ chồng này, ai cũng nghĩ họ rất hạnh phúc.
2 năm sau ngày cưới, họ có với nhau một đứa con và cuộc sống luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười. Ấy vậy mà khi đứa con thơ gần 1 tuổi, trong một lần cãi nhau, chị Hoa trong cơn giận chồng đã nói không thể chung sống với nhau được, cùng lắm 2-3 năm nữa rồi đường ai nấy đi.
Như vừa bị ca nước nóng hắt vào mặt, trong cơn giận dữ, Nam đã vồ lấy chiếc chân ghế gãy bằng gỗ vụt liên tiếp lên đầu vợ cho tới khi chị Hoa gục xuống nền nhà bất động.
Phần lớn là bộc phát
Ngoài các vụ án mạng đau lòng nêu trên, còn có những vụ khó tin hơn như con trai đánh bố phải nhập viện cấp cứu sau đó tắt thở vì trụy tim chỉ vì bố không cho tiền, hay vì bị mẹ chửi mắng nên con trai đánh mẹ đến chết rồi chôn xác phi tang…
Trong những vụ án đó, pháp luật sẽ trừng trị những kẻ thủ ác, song xã hội không khỏi lo lắng về tình trạng đạo đức xuống cấp đến mức trầm trọng, đã khiến những tội lỗi khó hình dung vẫn có thể xảy ra ngay trước mắt.
Theo các chuyên gia tâm lý, có đến 70% số vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình không có động cơ từ trước và đơn giản chỉ là hành động bộc phát, không kiềm chế được bản thân trong lúc nóng giận.
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, phần lớn các vụ án mạng do mâu thuẫn vợ chồng đều bắt nguồn từ ghen tuông và nghi vợ ngoại tình, thay lòng đổi dạ, chỉ cần một lời nói, cử chỉ khó coi của vợ cũng như “đổ thêm dầu vào lửa” làm người chồng dù yêu thương vợ con đến mấy thì trong cơn giận nhất thời đã sát hại vợ.
Cần có sự khuyên răn, can thiệp kịp thời
Khác với mâu thuẫn vợ chồng, những trường hợp mâu thuẫn giữa bố, con, anh, chị, em đa số đều bắt nguồn từ những tranh chấp tài sản, đất đai, quyền thừa kế và các va chạm về kinh tế khác…
“Mâu thuẫn có thể không lớn, nhưng khi có thêm một số người xấu châm ngòi, khích bác sẽ đẩy vấn đề nhỏ lên cao trào và chỉ vì lòng ích kỷ, sự đố kỵ hay vì vô vàn lý do chủ quan khác đã dẫn đến những người thân trong gia đình sát hại nhau cho hả giận, hoặc để đạt được mục đích đê hèn”, đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội phân tích và cho rằng nếu các mâu thuẫn được giải quyết từ khi mới bắt đầu thì nhiều hậu quả đau lòng đã không xảy ra.
Đồng tình với quan điểm trên, thượng tá Nguyễn Văn Hiểu, Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn, đơn vị đang thụ lý điều tra vụ án Vũ Xuân Tuấn ở xã Phú Cường nhấn mạnh, ở nhiều nơi còn quan niệm sai lầm “không nên để ý quan tâm đến chuyện riêng của nhà người khác” và tỏ ra thờ ơ, bàng quan không có ý kiến khuyên răn, can thiệp để “hạ hỏa” những “lò lửa” nhà hàng xóm. Chính vì lẽ đó, đã làm những mối bất hòa trong các gia đình ngày một lớn, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn chia sẻ: “Ở các địa phương, bộ máy tổ chức chính quyền từ trên xuống dưới, cho đến từng khu phố, cụm dân cư đều có các ban hòa giải và các đoàn thể, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi…
Những đoàn thể này đều có trách nhiệm chung tay với chính quyền địa phương xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết ở khu dân cư và khi có những vụ mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ nhân dân thì tổ chức hòa giải. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế ở một số nơi đoàn thể, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt vai trò của họ, dẫn đến các vụ trọng án do mâu thuẫn gia đình vẫn xảy ra cho dù là bộc phát”.
Để các vụ án mạng do mâu thuẫn gia đình không xảy ra, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương phối hợp chặt chẽ với công an và chính quyền cơ sở phát hiện, dập tắt ngay những bất đồng của những người trong cuộc.
Thêm vào đó, các cấp chính quyền cơ sở cũng cần tổ chức những buổi tọa đàm với các nội dung tuyên truyền về ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc của tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, lồng ghép vào các cuộc hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, gia đình, dòng tộc, để mọi người dân hiểu rõ và không mắc phải những sai lầm gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT chung trên địa bàn.
* Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi.
Theo Hà Trang (An Ninh Thủ Đô)