Nhân viên ngân hàng tiếp tay kẻ xấu
Báo Tuổi trẻ đưa tin, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an Đà Nẵng) vừa phá một đường dây thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với sự tiếp tay của chính nhân viên ngân hàng.
Công an đã triệu tập hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng thương mại cổ phần tại nhiều địa phương trên cả nước liên quan việc cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N. (30 tuổi, trú tỉnh Lào Cai).
Một số nhân viên ngân hàng đã trao đổi, bán thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng lớn, trên 20 tài khoản.
Chẳng hạn, ông N.M.D. (trú TP.HCM, nhân viên ngân hàng M.) đã gửi cho N. thông tin 23 tài khoản thuộc hai ngân hàng M. và V.. Ông này trực tiếp sử dụng tài khoản được ngân hàng cấp cho mình đăng nhập vào hệ thống nội bộ ngân hàng M. để tra soát thông tin của ba tài khoản ngân hàng rồi bán cho N..
Đối với thông tin 20 tài khoản ngân hàng V., trước đây nam nhân viên này từng làm việc tại ngân hàng trên nên có nhiều mối quan hệ đồng nghiệp. Do vậy, người này đã nhờ đồng nghiệp cũ tra cứu thông tin tài khoản để gửi cho mình và bán lại cho N. với giá 200.000 - 400.000 đồng/tài khoản.
Tương tự, bà P.T.H.T. (trú Đà Nẵng, nhân viên ngân hàng S. chi nhánh Đà Nẵng) đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp cho mình để đăng nhập vào hệ thống nội bộ. Qua đó tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà H.Đ.N. cung cấp rồi gửi cho N. thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng này.
Một cán bộ PA05 cho biết với việc cung cấp thông tin về các tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N., nữ nhân viên này được trả phí 500.000 đồng/tài khoản. Tổng cộng, nữ nhân viên ngân hàng này đã hưởng lợi 12,5 triệu đồng từ việc bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Một nhân viên khác của ngân hàng S. là ông L.Đ.A. (trú Đà Nẵng) cũng đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp cho mình để đăng nhập vào hệ thống nội bộ nhằm tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà N. cung cấp.
Theo PA05, nhân viên này đã gửi cho N. thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng S. và được H.Đ.N. trả phí 200.000 đồng/thông tin mỗi tài khoản. Nhân viên ngân hàng này đã nhận 5 triệu đồng từ việc bán tài khoản.
Ngoài ra, theo công an, một số nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần khác có quen biết với H.Đ.N. qua mạng xã hội, sau đó nhận tra soát thông tin tài khoản ngân hàng các cá nhân để bán cho N..
Trước đó, các trinh sát PA05 phát hiện một nhóm đăng tải lên các trang mạng xã hội các bài viết liên quan việc nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại 22 hệ thống ngân hàng trên toàn quốc để thu phí. Do đó cơ quan này đã xác lập chuyên án và xác định H.Đ.N. cùng nhiều người có liên quan.
N. khai nhận từ khoảng tháng 10/2022, đã tham gia nhóm Facebook tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Trong nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết trao đổi, mua bán thông tin tài khoản của người khác.
Thấy dễ kiếm tiền nên N. đã sử dụng Facebook, Zalo và Telegram của mình và người yêu để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác, có thu phí để hưởng lợi bất chính.
Khi có người liên lạc mua thông tin tài khoản ngân hàng, N. liên hệ các đầu mối trên mạng và các nhân viên ở các ngân hàng trên cả nước để thu thập, mua thông tin rồi bán lại với giá chênh lệch.
Tùy vào từng ngân hàng mà N. bán thông tin tài khoản với giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến 2,2 triệu đồng mỗi thông tin tài khoản.
Sau khi thu tiền của người mua thông tin, N. trả tiền cho người đã tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng với số tiền 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng mỗi thông tin tài khoản. Tổng cộng N. đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng để thu về số tiền hơn 400 triệu đồng.
Ngoài ra, N. còn nhận thu thập thông tin cá nhân của người khác rồi gửi cho nhóm có quan hệ cộng tác với nhân viên ngân hàng để đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng (không đúng quy trình) nhằm bán lại cho người có nhu cầu (chủ yếu ở Campuchia) để thu lợi.
Chạy chỉ tiêu mở thẻ dễ dẫn đến sai phạm
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng Phòng PA05 cho biết, vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tỉnh thành, ngân hàng, nhân viên ngân hàng trên cả nước. Những người sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện tội phạm, công nhiên quảng cáo rầm rộ dịch vụ tra soát, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên các nền tảng mạng.
Đặc biệt là có sự tham gia cấu kết, tiếp tay của nhân viên các ngân hàng trong việc tạo ra tài khoản ngân hàng (thậm chí là tài khoản ngân hàng mở bởi giấy tờ giả) để thu lợi bất chính. Việc này nhằm cung cấp, mua bán cho các nghi phạm sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, đã gây ra nhiều khó khăn cho quá trình đấu tranh chuyên án.
“Đây là vụ án đầu tiên của cả nước làm rõ, chặn đứng đường dây tra soát, mua bán trái phép thông tin cá nhân của tài khoản ngân hàng số lượng lớn, có liên quan đến nhân viên ngân hàng góp phần đảm bảo tình hình trong công tác bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Đặc biệt càng có ý nghĩa lớn trước khi Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới”, thượng tá Tâm cho biết.
Thượng tá Tâm cho biết, quá trình đấu tranh chuyên án cũng đã làm rõ ra các hoạt động của các ngân hàng hiện nay vẫn còn tình trạng chạy chỉ tiêu mở thẻ tài khoản ngân hàng dẫn đến sai phạm trong quy trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, cũng xác định những người liên quan trong vụ việc còn thực hiện dịch vụ quảng cáo mua bán tài khoản ngân hàng số đẹp, thủ tục đăng ký tài khoản nhanh gọn, từ đó mang lại nhiều rủi ro cho khách hàng. Việc này những người môi giới trung gian sẽ nhận được mức tiền chênh lệch lên tới nhiều nhất là 50% giá bán tài khoản ngân hàng số đẹp đó.
Theo Vân Anh (Đời Sống & Pháp Luật)