|
Các bị cáo tại phiên toà - Ảnh chụp qua màn hình |
Sáu bị cáo ra trước vành móng ngựa trong vụ này đều là nguyên lãnh đạo Ban Quản lý Các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gồm: Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU; Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng Phòng Dự án 3 - RPMU; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU.
Trong phần thẩm vấn cuối giờ sáng và đầu giờ chiều 26-10 đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử tiếp tục tập trung làm rõ việc nhận, sử dụng số tiền 11 tỉ đồng “lót tay” từ JTC. Đặc biệt là việc bỏ túi cá nhân đối với các cựu quan chức ngành đường sắt.
Bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU) nói mình không trực tiếp nhận tiền từ JTC. “Một lần Bằng gọi xuống phòng chuyển tiền cho, bị cáo hiểu đấy là tiền Nhật Bản chuyển cho dự án” - bị cáo Thái khai trước toà.
Bị cáo Thái cũng khai là nghĩ tiền của phía tư vấn chuyển cho các hoạt động của dự án nhờ ban quản lý dự án chi tiêu hộ một số việc. Ví dụ như hội họp, vì tất cả các cuộc hội họp dẫn đến việc tư vấn.
“Khi chi tiêu bị cáo không cho vào sổ sách. Mình làm đúng giúp cho công việc của dự án được trôi chảy. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo nhận thức là sai” - bị cáo Thái khai trước tòa.
Còn bị cáo Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) cũng chung suy nghĩ: “Bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, lúc đó bị cáo nghĩ cũng bình thường”.
Bị cáo Duy khai nhận tiền 3 lần, tổng số khoảng 2,2 tỉ đồng. Khoản tiền đó bị cáo chi chung cho hoạt động của dự án như hội họp, thưởng tết cho cán bộ dự án, tham quan, nghỉ mát, công đoàn, thanh niên…
Đến lượt mình, bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) bị quy buộc nhận 100 triệu đồng, cho là “cáo trạng truy tố bị cáo chưa chính xác”. Về số tiền 100 triệu đồng nhận của Bằng, Lục khai: Tết 2010, Bằng đến nhà bị cáo chúc tết. Lúc đó bị cáo đã chuyển khỏi Ban Quản lý dự án được 5 tháng và Bằng có để lại một túi quà, cũng không nói gì với bị cáo về số tiền. Sau tết khi kiểm tra lại các túi quà thấy có 100 triệu trong đó. Bị cáo nghĩ Bằng đến chúc tết trên phương diện tình cảm. Thực tế, bị cáo và Phạm Hải Bằng có 10 năm gắn bó với nhau, từng dìu dắt, giúp đỡ, đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng để Bằng từ cán bộ quy hoạch trở thành phó giám đốc và sau này còn được đưa vào danh sách quy hoạch làm giám đốc của ban nữa.
Theo bị cáo, trong quá trình ký hợp đồng có khoản chi phí hội họp, hội thảo để tiến hành hợp đồng, dự án nào cũng thế cả.
Chủ tọa vặn lại: “Việt Nam thuê người ta tư vấn thiết kế thì phải trả tiền cho người ta chứ sao bị cáo lại nói dự án nào họ cũng phải chuyển tiền. Nếu người ta đưa lại cho mình, bị cáo nhận thức tiền đó tiền gì?”. Bị cáo Lục đáp: “Bị cáo nhận thức đó là nhà thầu chi trả tiền chi phí thuê hội trường, chi phí tổ chức hội thảo...”.
|
Bị cáo Trần Quốc Đông khẳng định mình không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì "ở Việt Nam, việc biếu nhau quà, tiền là phổ biến" - Ảnh chụp qua màn hình |
“Dịp tết, khi bị cáo Bằng đưa cho bị cáo 30 triệu đồng, bị cáo nghĩ phong tục người Việt Nam, thực tế cuộc sống thì việc người thân quen có biếu quà nhau là phổ biến nên bị cáo nhận, không suy nghĩ gì sâu”- bị cáo này lý giải.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) không thừa nhận đã lấy 50 triệu đồng mà bị cáo Bằng “phân phối” vào dịp tết âm lịch năm 2014.
|
Bị cáo Phạm Hải Bằng - Ảnh chụp qua màn hình |
Bị cáo Phạm Hải Bằng lúng túng: “Số tiền này là trách nhiệm thực hiện các chương trình tư vấn nên phía đối tác đã chuyển sang phía Việt Nam để chi tiêu”.
HĐXX tiếp tục: “Tiền đó có phải quyết toán không?” Bị cáo Bằng trả lời không cần quyết toán. HĐXX gay gắt: “Người ta sang cả vạn cây số, người ta ném tiền cho tiêu thoải mái, có ai như thế không?”. Bị cáo Bằng trả lời: “Họ không yêu cầu”.
Đến đây, HĐXX đọc lại lời khai của Bằng trước đó: “Số tiền tư vấn kê ra nhiều mục như mục chi tiêu cá nhân, mục chi tiêu riêng cho Ban quản lý dự án như nghỉ tết, nghỉ lễ, phục vụ cho việc di chuyển văn phòng…”. Chủ toạ khẳng định, theo lời khai đây là những khoản tiền không có trong hợp đồng, chi ngoài hỗ trợ. Đến đây, bị cáo Bằng không trả lời được.
15 giờ, toà kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận. Trước khi bước sang phần tranh luận, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà đọc bản luận tội và mức án đề nghị.
Theo đó mức án đề nghị với các bị cáo như sau:
- Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU: 11-13 năm tù, nộp hơn 3,6 tỉ đồng
- Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng Phòng Dự án 3 - RPMU: 10-12 năm tù giam, nộp hơn 2,8 tỉ đồng
- Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU: 6-8 năm tù giam, 100 triệu đồng sung công quỹ (đã nộp).
- Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU: 7-9 năm tù giam, truy thu 30 triệu đồng (đã nộp)
- Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU: 7-9 năm tù giam, truy thu 50 triệu đồng.
- Phạm Quang Duy, nguyên Phó Giám đốc RPMU: 8-10 năm tù giam; truy thu hơn 2,3 tỉ đồng
Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị kê biên tài sản các bị cáo Bằng, Hiếu, Đông để đảm bảo thi hành án.