TAND TPHCM hôm nay mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC), Trần Đăng Tấn (Trưởng Văn phòng đại diện AIC tại TPHCM) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo khác là Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”; Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) và Phan Tất Thắng (cựu Phó trưởng phòng Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
8 bị cáo còn lại trong vụ án bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 12/7, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự) làm chủ tọa.
Các bị cáo Nhàn, Hà, Tấn cùng Đỗ Vân Trường (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha) đang bỏ trốn.
Trước khi mở phiên tòa, TAND TPHCM đã ban hành thông báo kêu gọi 4 bị cáo này ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng; hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa. Tuy nhiên, cả 4 bị cáo này vẫn không ra trình diện. Như vậy, các bị cáo từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt.
Theo truy tố, tháng 7/2014, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM được phê duyệt Dự án mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm.
Tháng 5/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho dự án, chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn 1 có 7 gói thầu, trị giá 149 tỷ đồng; giai đoạn 2 có 6 gói thầu, trị giá khoảng 200 tỷ; giai đoạn 3 có 6 gói thầu, trị giá hơn 75 tỷ.
Trước đó, khoảng tháng 4/2014, ông Dương Hoa Xô gặp Nhàn tại lễ khánh thành Trung tâm nuôi cấy mô thực vật của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.
Tại đây, bà Nhàn đã gợi ý ông Hoa Xô tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia, trúng các gói thầu cung cấp thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm và hứa sẽ “chung chi” để cảm ơn. Gợi ý này của bà Nhàn được ông Xô chấp thuận và chỉ đạo cho các thuộc cấp giúp cho AIC trúng thầu.
Sau đó, Nhàn chỉ đạo Hà, Tấn làm việc với từng cá nhân thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, để đảm bảo cho AIC và các công ty do AIC chỉ định được trúng thầu như đã thỏa thuận.
Sau khi AIC trúng thầu, tháng 11/2016, theo chỉ đạo của bà Nhàn, Hà đã mang 2,5 tỷ đồng tới đưa cho ông Xô ngay tại phòng làm việc của ông này. Đến tháng 1/2017, Hà tiếp tục đưa thêm cho ông Xô 3,9 tỷ.
Năm 2019, cũng theo chỉ đạo của bà Nhàn, Tấn đã 3 lần tới đưa 6 tỷ cho ông Xô. Tổng số tiền mà ông Xô nhận từ AIC lên tới 14,4 tỷ đồng.
Trong các lần đưa tiền, Hà và Tấn đều nói công ty cảm ơn, mong ông Xô tạo điều kiện cho tiếp tục thực hiện các gói thầu.
Sau khi nhận tiền, ông Xô đã chia lại cho Trần Thị Bình Minh 1 tỷ đồng; Nguyễn Đăng Quân (Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) 950 triệu; Nguyễn Viết Thạch (nguyên Trưởng Ban quản lý xây dựng đầu tư công trình thuộc Trung tâm) 1,1 tỷ.
Còn lại hơn 11 tỷ, ông Xô sử dụng vào mục đích cá nhân.
Việc thông thầu của ông Xô và thuộc cấp đã giúp AIC trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 94,6 tỷ đồng.
Đến nay, ông Xô đã nộp lại 11,5 tỷ đồng, ông Quân nộp lại 700 triệu, ông Thạch nộp 200 triệu, bà Minh nộp 800 triệu để khắc phục hậu quả.
Đối với hành vi sai phạm của bà Minh, cáo trạng xác định bà này biết rõ ông Xô tự ý phê duyệt điều chỉnh danh mục thiết bị, dự toán 4 gói thầu giai đoạn 1, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho nhà thầu khi chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh là trái quy định của pháp luật. Nhưng vì động cơ vụ lợi, bà Minh vẫn chỉ đạo ông Phan Tất Thắng đề xuất, phê duyệt điều chỉnh dự án không đúng quy định.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)