Theo tài liệu Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công ty AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm xuất khẩu lao động Tralencen trực thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại và chuyển thành Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại theo Quyết định số 2669/QĐ-BGTVT ngày 5/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Công ty hoạt động theo Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 4/11/2005 với số vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỷ đồng.
Đến năm 2008, công ty thay đổi đăng ký kinh doanh lần 2 bổ sung ngành nghề kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế. Đến lần thay đổi thứ 9, AIC tăng vốn điều lệ lên 1000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của AIC là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Công ty đăng ký thay đổi theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến nay đã thay đổi đến lần thứ 25. Ngành nghề kinh doanh được đăng ký gồm: xuất bản phần mềm; bán buôn, bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông; kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế; kinh doanh thiết bị xử lý môi trường; kinh doanh hệ thống trang thiết bị xử lý nước thải; bán buôn trang thiết bị giáo dục; sản xuất máy móc, thiết bị; cung ứng và quản lý nguồn lao động; kinh doanh bất động sản; thoát nước và xử lý nước thải; đào tạo…
Để Công ty AIC và các công ty gồm: Công ty BMS, Công ty Thành an Hà Nội, Công ty TNT do AIC chỉ định được tham gia, trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với giá của AIC đưa ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với bị can Trần Đình Thành, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo, tạo điều kiện cho AIC được trúng 16 gói thầu Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Sau khi tạo mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và được Trần Đình Thành giới thiệu với Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu thông qua các đơn vị tư vấn đưa cấu hình kỹ thuật và giá vào các gói thầu.
Căn cứ thông tin do chủ đầu tư dự án cung cấp, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga giao nhân viên kỹ thuật, các phòng, ban chức năng chuẩn bị hồ sơ, hàng hóa, chuẩn bị ủy quyền, cam kết bảo hành của hãng cho AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu. Các công ty làm “quân xanh” để đáp ứng yêu cầu mời thầu của chủ đầu tư.
Cùng với đó, bị can Nhàn còn thông đồng với các đơn vị tư vấn lập danh mục, thẩm định giá, báo giá để đáp ứng yêu cầu mời thầu của chủ đầu tư; thông đồng với các đơn vị tư vấn lập danh mục, thẩm định giá, báo giá để đưa vào danh mục cấu hình kỹ thuật thiết bị và giá do AIC đưa ra. Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn sử dụng các công ty trực thuộc AIC, thông đồng với các công ty đối tác để thiết lập “quân xanh”, đảm bảo cho Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu.
Năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đó là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trong các lần công tác tại Hà Nội. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đến gặp Trần Đình Thành tại trụ sở và nhờ vị Bí thư này mời lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC của Nhàn để tạo điều kiện cho AIC tham gia các dự án của tỉnh.
Nhàn giới thiệu Trịnh Thị Thúy Nga, thời điểm đó là Trưởng Ban Quản lý Dự án 1 của Công ty AIC với Trần Đình Thành. Sau đó, cả Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ đề nghị vị Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh tạo điều kiện để AIC tham gia và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Đến năm 2010, khi bệnh viện chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, Bồ Ngọc Thu báo cáo Trần Đình Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. Trần Đình Thành điện thoại cho Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án xây dựng bệnh viện và được Nhàn đồng ý.
Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung chi phí trang thiết bị y tế vào dự án, Hoàng Thị Thúy Nga đã đến gặp và mời vị Bí thư này đi ăn trưa, đồng thời Trần Đình Thành đã gọi Phan Huy Anh Vũ đến cùng, giao cho Vũ tạo điều kiện để AIC trúng thầu các gói thầu bán thiết bị cho dự án.
Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm Tổng Giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.
Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo Hoàng Thế Quỳnh cùng với các nhân viên của Công ty AIC phối hợp với các nhân viên của Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án.
Theo đó, các hạng mục thiết bị đều do phía AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.
Bản thân Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu nên quá trình tham gia đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo đàn em trong Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính, tăng hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp để Nhàn ký, đưa vào hồ sơ dự thầu, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Những công ty nằm trong diện “quân xanh”, “quân đỏ” cũng được Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo nhân viên dưới quyền chuẩn bị các hồ sơ “đẹp” để phục vụ cho hoạt động đấu thầu của AIC. Với sự chuẩn bị này, cùng việc “chăm sóc” kỹ càng Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khi đó Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu đã trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Trong đó Công ty AIC đứng tên trúng 12 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Quá trình tham gia và trúng thầu tại dự án này, Nhàn đã trực tiếp đưa tiền và chỉ đạo Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc đưa cho bị can Trần Đình Thành 6 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; đưa cho Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó 14 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; đưa cho Phan Huy Anh Vũ 6 lần với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ cho AIC trúng thầu, ký các hợp đồng nghiệm thu, thanh toán…các gói thầu.
Để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt của AIC và một số Công ty có liên quan xuất cảnh khỏi Việt Nam. Căn cứ vào những tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đối tượng chủ mưu, cầm đầu về các sai phạm của Công ty AIC tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Theo Hoàng Phong (CAND Online)