Theo dự kiến, từ ngày 25 đến 29/6, TAND TP HCM sẽ đưa nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).
Liên quan đến vụ án, 4 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An); Phạm Thế Tuân (nguyênTổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP HCM); Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
Tạo cơ hội cho Phạm Công Danh vi phạm luật
Tại NHNN, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát, vụ Pháp chế, tham gia chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.
Theo kết luận điều tra, vào tháng 8/2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký văn bản trình chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận chủ trương.
Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB. Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém, cần cơ chế giám sát đặc biệt.
Cáo trạng quy kết nguyên Phó Thống đốc ngân hàng - ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh.
Hành vi thiếu trách nhiệm này đã tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ và sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Sau khi nhóm cổ công Thiên Thanh do Phạm Công Danh đại diện nắm quyền đại hành, VNCB liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu xuống mức âm, nợ xấu tăng cao.
Ông Bình bị cáo buộc không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình thủ tướng chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh.
Tổ giám sát NHNN dính chàm
Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện thì VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Năm 2014 vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm được khởi tố, VNCB đã âm hơn 18.000 tỉ đồng vốn sỡ hữu. Như vậyvậy, ngân hàng này có vốn sỡ hữu âm tăng 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỷ đồng. Hậu quả của vụ án khiến NHNN buộc phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Cụ thể, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luât thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB. Tòa cũng xem xét trách nhiệm của thành viên tổ giám sát của NHNN tại VNCB.
Liên quan tới tổ giám sát, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh được giao nhiệm vụ, quyền hạn tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin và yêu cầu ngân hàng VNCB báo cáo, cung cấp tài liệu,… Tổ giám sát cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước những giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên.
Nhưng các bị can đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Trong đó, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỷ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỷ đồng, bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỷ, bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỷ đồng.
Theo Bảo Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)