Chỉ cần vào mạng gõ cụm từ khoá “bùng tiền vay”, chỉ sau vài giây đã có hàng nghìn kết quả với đủ loại tên các hội nhóm khác nhau, từ “Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó”; “Bùng App vay tiền online”; “Cách bùng App vay và cách đối phó”; ""Hội Bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó"… Các nhóm này quy tụ hàng trăm nghìn thành viên với vô số bài đăng, chia sẻ kinh nghiệm quỵt nợ mỗi ngày.
Thanh Trường - một thành viên trong hội nhóm chia sẻ cách vay tiền online "do thủ tục vay tiền của nhiều app cho vay rất đơn giản, người vay chỉ yêu cầu truy cập số điện thoại và danh bạ nên nếu người vay xác định sẽ “bùng” thì chỉ cần sử dụng sim rác và danh bạ ảo".
Bên cạnh một số nhóm kín, nhiều hội nhóm để chế độ công khai, ngang nhiên hoạt động. Mỗi khi có thành viên nào vào đăng bài chia sẻ về những món nợ, ngay lập tức các thành viên khác sẽ vào phản hồi, nhắn tin, bình luận, từ động viên, trấn an tinh thần đến bày cách hướng dẫn chi tiết về các chiêu "bùng" tiền, quỵt nợ.
Ngoài ra, một số cá nhân khác cũng tranh thủ quảng cáo bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại, những bộ hồ sơ “đẹp” để dễ dàng vay tiền qua App.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do thời gian qua có nhiều người vay nợ qua App hoặc các tổ chức tín dụng “đen” không có khả năng trả nợ, bị xiết nợ, đe dọa thường xuyên nên họ đã tìm đến những hội nhóm dạy cách "bùng" tiền như một giải pháp tình thế.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, điểm chung các hội nhóm này là tư tưởng "không làm mà vẫn có ăn", đi vay tiền ăn chơi sau đó "bùng" tiền, quỵt nợ.
“Chiêu” bùng nợ được chia sẻ nhiều nhất là dùng thông tin giả, thông tin của người khác, sim rác, danh ba điện thoại ảo. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít cá nhân bị đòi nợ oan dù không vay tiền.
Ngoài ra, một số đối tượng dạy cách bùng tiền vay qua App chính là những đối tượng lập ra những App cho vay. Chúng đánh lừa những người thiếu hiểu biết rằng việc vay tiền qua App rất đơn giản, có thể “bùng” bất cứ lúc nào nên họ đua nhau vay tiền và dễ dàng sập bẫy.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, hoạt động cho vay và đi vay có thể thông qua thoả thuận miệng, bằng văn bản hoặc qua App. Về chế tài xử lý với trường hợp "bùng" tiền, quỵt nợ, nếu có đủ căn cứ cho rằng, người vay tiền từ đầu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách làm giả một số giấy tờ như CCCD, chứng minh thu nhập… sau đó chiếm đoạt thì có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bên cạnh đó, hành vi “bùng" nợ còn có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 175 BLHS 2015, đó là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
"Bùng" tiền, trốn nợ là vi phạm pháp luật, nó ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây mất ANTT và phát sinh nhiều hệ luỵ khó lường. Để tránh tự đẩy mình vào vòng lao lý, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội không nên tham gia, làm theo hướng dẫn của các hội nhóm “bùng” nợ và thận trọng trước khi quyết định vay bất cứ khoản tiền nào từ App và tín dụng "đen” - luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)