Chiều 11/3, một vụ án mạng xảy ra tại huyện Cần Giuộc, Long An khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Nguyễn Thành Trung đột nhập vào nhà vợ chồng anh Võ Tấn Hội để trộm tài sản. Bị người chồng phát hiện nên Trung đâm chết chủ nhà.
Sau đó, tên trộm dùng dao uy hiếp chị Hằng - vợ anh Hội để lấy tài sản. Thấy hung thủ sát hại chồng, chị Hằng xô mạnh kẻ thủ ác rồi chạy đi. Trung cầm dao lao theo tiếp tục chém vào lưng và đầu chị này.
Chộp được con dao trên bàn, chị Hằng chém vào đầu làm kẻ trộm ngã ngửa xuống gạch bất tỉnh và tử vong sau đó.
Trong trường hợp này, việc người vợ đâm chết kẻ trộm có bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, phòng vệ chính đáng được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015; được định nghĩ là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Mục đích của phòng vệ chính đáng nhằm gạt bỏ sự tấn công, nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công.
Trong trường hợp này, theo luật sư Quynh, việc người vợ dùng dao chống trả lại tên trộm và gây nên cái chết cho hắn ta được xem là phòng vệ chính đáng. Bởi đây là sự đáp trả tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng quan điểm người vợ không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, luật sư Phan Vũ Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc trộm vào nhà và nên ứng xử ra sao được tranh cãi rất nhiều. Khi gặp một hành vi vi phạm pháp luật thì luật sư cho rằng cần ngăn chặn hành vi đó nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của mình; nhưng chúng ta cũng sẽ không đi quá đà với hành vi chống lại hành vi vi phạm pháp luật đó.
Với vụ việc này, Trung vừa đâm chết anh Hội và tiếp tục dùng dao đuổi, đâm chị Hằng thì việc chị này chụp được con dao và đâm khiến Trung tử vong là nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng.
"Việc đâm kẻ trộm nằm trong quá trình bắt trộm, chị Hằng chống trả tương xứng với việc cầm dao uy hiếp và đâm chị của hắn ta. Nếu người vợ không đâm lại Trung thì có thể người chết là chính chị. Nên trong trường hợp này, hành vi của chị Hằng được coi là phòng vệ chính đáng", luật sư Tuấn phân tích.
Do phòng vệ chính đáng được quy định không phải là tội phạm nên các luật sư cho rằng nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì người vợ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)