Người Trung Quốc sang Việt Nam thuê công xưởng để buôn ma túy

17/06/2021 10:22:22

Các đối tượng người người Trung Quốc móc nối với người trong nước lập doanh nghiệp, công ty “bình phong”... để mua bán, vận chuyển ma túy.

Sáng 17-6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tổ chức hội nghị cung cấp thông tin báo chí nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04, thông tin về tình hình và kết quả công tác phòng, chống ma túy trong 6 tháng đầu năm 2021.

Người Trung Quốc sang Việt Nam thuê công xưởng để buôn ma túy
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04. Ảnh: TP

Theo tướng Viện, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tội phạm ma túy vẫn xảy ra nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với các lực lượng chức năng.

Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không…

Trong đó, trên tuyến Tây Bắc, lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh nhưng gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại, đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.

Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp, trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây có cả Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ biến Đông Nam Á trở thành trọng điểm ma túy toàn cầu.

Trên tuyến hàng không, các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ…

Người Trung Quốc sang Việt Nam thuê công xưởng để buôn ma túy - 1
Công an triệt phá một đường dây ma túy giấu trong dạ dày heo. Ảnh: HH

Đáng chú ý, Cục trưởng C04 cho hay gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet.

Ngoài ra, công an còn phát hiện xu hướng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh để móc nối với các đối tượng trong nước thành lập doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Chưa hết, cũng do ảnh hưởng của COVID-19, tội phạm ma túy chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự (do tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch) sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy…

“Nghiêm trọng nhất xảy ra thời gian gần đây là vụ phát hiện đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế, có liên quan đến bệnh nhân điều trị tâm thần và cán bộ của bệnh viện, gây bức xúc trong dư luận” – tướng Viện nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện 12.421 vụ, bắt giữ 17.710 đối tượng, thu giữ 290 kg heroin, 1,42 tấn ma túy tổng hợp, 840 kg cần sa. Riêng Cục C04 đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh bắt giữ 54 vụ, 155 đối tượng, thu giữ 172 kg heroin, 1,1 tấn ma túy tổng hợp, bắt 10 đối tượng truy nã và hiện đang trực tiếp thụ lý điều tra 30 vụ án, 104 bị can.

Tháng hành động phòng, chống ma túy

Năm 2021, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc đưa ra Thông điệp của Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26-6-2021 là “Hãy chia sẻ thông tin về ma túy. Vì cuộc sống bình yên.”

Nhằm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy, Cục C04 đã tham mưu với Bộ, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức các hoạt động với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.

Tháng hành động phòng, chống ma túy là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy.

Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật