Người tham nhũng nộp lại tài sản sẽ lãnh án chung thân “đặc biệt”

05/01/2016 19:56:14

“Người bị kết án vì tham nhũng nộp lại 3/4 tài sản và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng phát hiện xử lý tội phạm thì được thoát án tử, nhưng thay vào đó là tù chung thân và loại tù chung thân này “đặc biệt” hơn so với loại tù chung thân bình thường”.

“Người bị kết án vì tham nhũng nộp lại 3/4 tài sản và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng phát hiện xử lý tội phạm thì được thoát án tử, nhưng thay vào đó là tù chung thân và loại tù chung thân này “đặc biệt” hơn so với loại tù chung thân bình thường” - ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết như vậy.

Thưa ông, quy định nói trên từ khi xuất hiện trong dự thảo bộ luật đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, tại sao Ban soạn thảo vẫn đưa vào và trình ra Quốc hội?

- Quy định đó nằm ở Điểm c, Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đọc điều khoản này, nhiều người sẽ có cảm giác là nương nhẹ cho tội phạm tham nhũng, thực ra đi sâu vào nghiên cứu, phân tích không phải như vậy.

Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải) bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản. Ảnh: Doãn Tấn

Trong quá trình xây dựng bộ luật, chúng tôi nghiên cứu thấy 2 tội là tham ô tài sản và nhận hối lộ (Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình) suy cho cùng thì có lợi dụng chức vụ thật và cũng để chiếm đoạt tài sản. Bộ luật Hình sự năm 2015 giữ lại hình phạt tử hình với 2 tội danh trên cũng là sự cố gắng, bởi nếu bỏ án tử hình sợ dư luận không đồng tình. Thực ra 2 tội danh này có thể nghiên cứu quy định bỏ hình phạt tử hình được.

Khi chưa bỏ được hình phạt tử hình với 2 tội danh trên thì Bộ luật cũng có thêm quy định vừa là thể hiện tính nhân đạo nhưng quan trọng nhất là góp phần thu hồi tài sản tham nhũng, một vấn đề chúng ta đang gặp khó khăn hiện nay.

Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng đem người bị kết án tử hình về 2 tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ ra thi hành án là xong, nhưng theo đó tài sản của Nhà nước cũng mất. Quy định như Bộ luật năm 2015 là cho tội phạm tham nhũng một cơ hội cuối cùng, rằng ông bị kết án tử hình rồi, ông có nghĩ lại để nộp tài sản đã tham nhũng không, ông làm đúng theo quy định thì được cơ hội sống... Thế nhưng họ làm theo quy định mới này rồi không có nghĩa là họ thoát tội. Đối tượng đó không bị tử hình nhưng bị tù chung thân.

Thưa ông khi được ân giảm xuống tù chung thân, người đó có cơ hội được giảm án tiếp và ra tù trước thời hạn nên dư luận mới băn khoăn, ông nghĩ sao?

- Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định mới, loại tù chung thân được ân giảm từ án tử hình xuống thì việc xét giảm án cũng chặt chẽ hơn loại tù chung thân bình thường. Đối với tù chung thân bình thường, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và nếu được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt 20 năm tù. Còn người bị kết án tử hình được giảm xuống tù chung thân, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt 30 năm.

Quy định như vậy là rất chặt chẽ. Người bị kết án tử hình về tham nhũng muốn được ân giảm xuống tù chung thân ngoài việc phải nộp 3/4 tài sản đã chiếm đoạt, còn có thêm điều kiện là thành khẩn khai báo giúp cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Khi họ được ân giảm xuống tù chung thân rồi, việc xét giảm án cũng rất chặt chẽ. 

Với trường hợp một người tham nhũng 100 tỷ đồng bị kết án tử hình đã nộp lại 3/4 số tài sản chiếm đoạt, nghĩa là còn chiếm đoạt 25 tỷ đồng; còn một người tham nhũng 10 tỷ đồng cũng bị kết án tử hình nhưng họ chỉ nộp lại được 1/2 số tài sản chiếm đoạt, nghĩa là còn chiếm 5 tỷ đồng. Như vậy Bộ luật sẽ phải áp dụng thế nào để khách quan, công bằng?

- Việc người tham nhũng 10 tỷ hay 100 tỷ đồng thì khi ra tòa, Hội đồng xét xử đã xem xét toàn bộ nội dung vụ án như các tài liệu, chứng cứ, lời khai, lời bào chữa... để quyết định hình phạt. Anh phạm tội đáng phải nhận án tử hình thì tuyên tử hình (Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tham nhũng từ 1 tỷ đồng trở lên rơi vào khung có hình phạt tử hình - PV), đáng chung thân thì tuyên chung thân.

Còn quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015, là áp dụng chung cho tất cả những người đã bị kết án tử hình về tội danh liên quan đến tham nhũng, nghĩa là áp dụng sau khi tòa có bản án, khách quan, bình đẳng là ở chỗ đó. Hai người ở 2 vụ án khác nhau đã bị kết án tử hình vì tội danh liên quan đến tham nhũng, lúc này ai thực hiện được như điều luật quy định thì họ được hưởng chính sách ân giảm.

Xin cảm ơn ông!

"Tội phạm tham nhũng  làm theo quy định mới này rồi không có nghĩa là họ thoát tội. Đối tượng đó không bị tử hình nhưng bị tù chung thân”.

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp


>> Dương Chí Dũng có dễ dàng thoát án tử hình?

Theo Lương Kết (Dân Việt)

Nổi bật