Người giao xe cho nữ tài xế tông chết 2 người ở Vũng Tàu có bị xử lý hình sự?

29/06/2024 13:55:55

Trong vụ nữ tài xế ở Vũng Tàu lái ô tô trong trạng thái có nồng độ cồn kịch khung gây tai nạn liên hoàn khiến 2 người tử vong, dư luận quan tâm người giao xe có liên lụy hay không?

Báo Người Lao Động đưa tin, liên quan vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Thu Thanh (SN 1987; trú đường Lê Hồng Phong, phường 4, TP Vũng Tàu) đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam.

Kết quả đo nồng độ cồn của Trần Thị Thu Thanh lần thứ nhất là 0,385mg/L, lần thứ hai là 0,503mg/L.

Đây là vụ việc khiến dư luận rất quan tâm vì nữ tài xế không có bằng lái, điều khiển xe của người khác và có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, kịch khung xử phạt hành chính. Đáng nói hơn, vụ tai nạn đã khiến 2 mẹ con chết tại chỗ, nhiều người bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng đang được điều trị.

 

Người giao xe cho nữ tài xế tông chết 2 người ở Vũng Tàu có bị xử lý hình sự?
Hiện trường vụ tai nạn

Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), trong vụ tai nạn nêu trên, các phương tiện hư hỏng sẽ được lực lượng chức năng tiến hành định giá thiệt hại. Nếu kết quả định giá từ 1,5 tỉ đồng thì nữ tài xế đã thỏa mãn dấu hiệu phạm tội theo điểm d, khoản 3, điều 260 Bộ Luật Hình sự (gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên).

Ôtô gây tai nạn do bà Thanh điều khiển không phải là xe của bà. Trong trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ làm rõ có hay không dấu hiệu phạm tội - theo điều 264 Bộ Luật Hình sự, về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" của chủ sở hữu xe. Mức hình phạt ở tội này nhẹ nhất là phạt tiền 10 triệu đồng và nặng nhất là phạt tù 7 năm.

Cũng theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, riêng trường hợp bà Thanh, với những dấu hiệu, hành vi ban đầu của vụ việc thì bà vi phạm và đối mặt những điều luật sau:

- Trước khi tông vào 2 mẹ con dừng chờ đèn đỏ, bà Thanh đã tông một xe rác do chị Nguyễn Thị P. đẩy đi cùng chiều phía trước làm chị đa chấn thương.

- Bà Thanh tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy, gây ra liên tiếp 2 va chạm sau đó. Đến lúc va chạm lần thứ 4, xe này mới dừng lại. 

Với những hành vi trên, bà Thanh có dấu hiệu vị phạm tại các điểm a, b, c và đ khoản 2, điều 260  Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Đó là không có giấy phép lái xe theo quy định; điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm; làm chết 2 người.

Nếu thỏa mãn các quy định trên thì với những hành vi gây ra, bà Thanh đối mặt khung hình phạt từ 3 -10 năm tù; bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhận chức vụ, hành nghề liên quan lĩnh vực điều khiển phương tiện giao thông từ 1 đến 5 năm.

Còn theo Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, bên cạnh việc có thể bị xử lý hình sự, tài xế còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, tổn thất về tinh thần theo quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

- Thiệt hại do tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của nạn nhân.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của nạn nhân (nếu thu nhập thực tế của nạn nhân không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại).

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị; nếu nạn nhân mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân tử vong có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Khoản tổn thất về tinh thần.

Biên Thùy (SHTT)