Theo chuyên gia tâm lý, việc truy hỏi nhiều, hỏi lặp đi lặp lại các tình tiết ấu dâm của hung thủ sẽ khiến "vết thương" ngày càng ăn sâu vào trong tiềm thức khiến trẻ hoang mang; trường hợp nặng có thể dẫn đến trầm cảm, thần kinh…
Thậm chí theo phản ánh của phụ huynh, có trẻ còn tỏ ra sợ hãi mỗi khi nhìn thấy công an.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Kim Quý - tiến sỹ tâm lý, Trưởng văn phòng tham vấn và trị liệu tâm lý trẻ em thuộc Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, theo nghiệp vụ điều tra CQCSĐT thường hỏi đi hỏi lại 1 câu trong các tình huống khác nhau với mục đích xem đối tượng nói dối hay nói thật.
Trường hợp đối tượng dùng ý thức để kiềm chế thì khi lặp lại nhiều lần 1 câu hỏi nếu vô tình ý thứ không kiềm chế được, vô thức sẽ bộc phát ra sự thật, khi đó đối tượng sẽ không che giấu được sự việc.
Bị xét hỏi nhiều, các cháu nhỏ né tránh mỗi khi nhìn thấy bóng dáng công an. |
Tuy nhiên, ở đây CQCSĐT đã áp dụng quá máy móc nghiệp vụ điều tra từ người lớn sang trẻ nhỏ. Việc đó là không cần thiết, bởi theo bà Quý, thường trẻ nhỏ rất thật thà, không chịu sự chi phối, sắp đặt của người khác, nhất là khi trẻ bị mất an toàn, tổn thương đến nhu cầu an toàn thì trẻ sẽ nói rất thật.
“Bản thân trẻ nhỏ bị xâm hại đã bị tổn thương rất nặng nề về tâm lý thay vì an ủi, xóa dấu ấn không tốt thì CQCSĐT lại khơi dậy hành vi xâm hại của đối tượng với trẻ, hành động này lại càng làm cho trẻ sợ hơn. Việc truy hỏi nhiều vô tình biến đứa trẻ như là một tội phạm”, bà Quý nhấn mạnh.
Khác với Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới khi xảy ra vụ việc ấu dâm, hiếp dâm những người làm công tác xã hội, những chuyên gia tâm lý sẽ được CQCSĐT mời phối hợp để giúp đỡ họ trong việc khai thác thông tin từ trẻ nhỏ. Bởi chính những chuyên gia tâm lý sẽ là người hiểu trẻ cần những gì…
Khi xảy ra vụ việc thường người lớn sẽ mắng mỏ, đổ hết lỗi lên đầu con trẻ, nhưng theo bà Quý đây không phải là lỗi của trẻ vì người lớn không dạy cho trẻ cách bảo vệ, phòng bị cho bản thân. Bố mẹ không nên khóc lóc, la mắng trước mặt trẻ em, tránh gây sang chấn tâm lý nặng nề cho trẻ.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Cường - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bảng cho biết, trẻ thường nói rất thật, không tự dưng trẻ dựng chuyện để vu cho ông bảo vệ nên sau khi xem xét sự việc CQCSĐT nhận thấy có đầy đủ chứng cứ nên đã khởi tố vụ án.
Cũng theo ông Cường, việc CQCSĐT triệu tập các cháu hỏi nhiều là để tìm thêm tình tiết mới có lợi cho công tác điều tra chứ không phải là gây khó dễ.
Theo Đỗ Lực (Giadinh.net.vn)