Ngày 15/9, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, quá trình điều tra vụ án Ngân "Gốm" lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã xác định và làm việc với 7 người tố cáo.
Số tiền lừa đảo theo ghi nhận từ các bị hại là gần 300 triệu đồng.
Theo lời khai của Ngân tại cơ quan điều tra, cô ta "tô vẽ" vẻ hào nhoáng của bản thân mình trên Zalo, Facebook, bởi bản thân cô ta không hề có cửa hàng, không có giấy phép kinh doanh bất cứ mặt hàng gì.
Thủ đoạn của Ngân là mượn hình ảnh bán hàng… của người khác để sử dụng đăng bài mua bán hàng cho mình. Khi có người mua hàng, đặt hàng (thường là đồ gốm sứ, bàn ghế, xe máy, tivi, đồng hồ, đồ điện tử...) Ngân yêu cầu khách chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng, rồi hứa hẹn sẽ chuyển hàng theo đường bưu điện hoặc chuyển phát nhanh, rồi... bùng.
Tờ An Ninh Thủ Đô thông tin cụ thể, người bị lừa đảo nhiều nhất là anh Nguyễn Mạnh Hùng (44 tuổi, trú ở tỉnh Đắk Lắk).
Khoảng đầu tháng 9/2020, qua mạng xã hội, anh Hùng tình cờ đọc được trang Facebook của Đỗ Thị Kim Ngân, đăng bán bộ bàn ghế bằng gỗ trắc và 1 chiếc đồng hồ Rolex với giá 150 triệu đồng. Anh Hùng đã trao đổi với Ngân mua bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ trên; thống nhất sẽ chuyển tiền cho Ngân trước. Khi Ngân đã nhận đủ tiền thì chuyển hàng về địa chỉ của anh Hùng tại Đắk Lắk.
Trong 3 ngày liên tiếp, anh Hùng đã 3 lần chuyển khoản cho Ngân 150 triệu đồng. Ngân nhắn lại cho anh Hùng là đã nhận đủ tiền và hàng hóa đã cho lên xe container để chuyển vào Đắk Lắk.
Tuy nhiên nhiều ngày sau đó, anh Hùng vẫn không nhận được bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ nào. Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện yêu cầu Ngân chuyển hàng, nếu không phải trả lại tiền, anh Hùng chỉ nhận được… sự thách thức, chửi bới của Ngân "gốm".
Trước diễn biến này, cuối tháng 6/2021, anh Hùng đã trình báo sự việc đến Công an huyện Gia Lâm.
Trường hợp tiếp theo là chị Tăng Thị Kiều Nhi (33 tuổi, quê quán tỉnh Tiền Giang). Chị Nhi bị Ngân "gốm" lừa mất vài triệu đồng.
Cụ thể, tháng 1/2018, chị Nhi sử dụng MXH Facebook và biết được thông tin Ngân "gốm" thường hay livestream để bán hàng gốm sứ. Chị Nhi liên hệ đặt mua 1 bộ tranh tứ quý và 1 bộ ấm chén gốm sứ Bát Tràng, tổng trị giá 7 triệu đồng.
Hai bên thỏa thuận sau khi chị Nhi chuyển đủ tiền, trong vòng 1 tuần sẽ nhận được hàng. Nhưng đến tận bây giờ, chị Nhi vẫn chưa rõ mặt mũi bức tranh và bộ ấm chén Bát Tràng ra sao.
Một thủ đoạn khác của Ngân "gốm" khiến chị Tô Thị Thuận (trú ở quận – TP.HCM) mắc bẫy. Đầu năm 2018, thông qua trang Facebook Đỗ Thị Kim Ngân (Ngân "gốm"), chị Thuận thấy Ngân kêu gọi mọi người mua hàng để ủng hộ hai bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tên A Sủng và Hà, không rõ địa chỉ cụ thể.
Chị Thuận đã đặt mua 2 bát khử mùi, 1 bộ tranh tứ quý, 1 bình hút tài lộc, tổng trị giá 10,5 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị Thuận không nhận được số hàng đã mua của Ngân. Chị Thuận đã nhắn tin, gọi điện cho Ngân để yêu cầu giao hàng hoặc trả lại tiền nhưng Ngân không trả và chặn mọi liên lạc…
Trên đây chỉ là một số trong những trường hợp bị Ngân "gốm" lừa đảo. Chính vì vậy, để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Gia Lâm đề nghị ai là bị hại của Đỗ Thị Kim Ngân đến cơ quan công an gần nhất để trình báo, hoặc liên hệ Công an huyện Gia Lâm (cán bộ điều tra Nguyễn Huy Hiệp, số điện thoại: 098.767.3608) để được hướng dẫn giải quyết.
Theo PV (Pháp Luật & Bạn Đọc)