Nếu xác định hành vi đưa 10.000 USD cho cựu cán bộ CA là hối lộ, ông Nguyễn Đức Chung có thể bị xử lý thế nào?

24/11/2020 06:09:52

Theo luật sư Cường, CQĐT sẽ phải kết luận đúng - sai trong việc ông Nguyễn Đức Chung đưa và bị can Dũng nhận số tiền 10.000 USD cùng trách nhiệm pháp lý liên quan.

Cơ quan điều tra sẽ phải kết luận "đúng - sai" trong việc đưa nhận số tiền 10.000 USD

Theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, ngoài việc xác định ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Hà Nội) chủ mưu, cầm đầu trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, ông này còn bị phát hiện đưa 10.000 USD cho Phạm Quang Dũng (cán bộ Công an C03, đang được trưng dụng điều tra vụ án Nhật Cường).

Số tiền này (để trong phong bì) được ông Nguyễn Đức Chung thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung (lái xe) đưa cho Dũng dịp Tết Nguyên đán năm 2020. Thông qua gia đình, bị can Dũng đã giao nộp số tiền cho cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra nêu rõ, do chưa có điều kiện làm rõ việc ông Chung đưa cho Dũng khoản tiền trên nên CQĐT quyết định tách hành vi để xem xét, xử lý sau.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng, căn cứ kết luận điều tra có thể thấy, việc ông Dũng nhận tiền của ông Chung thông qua lái xe của cựu Chủ tịch Hà Nội là có.

Tuy nhiên, do cơ quan điều tra chưa làm rõ được động cơ, mục đích của việc đưa - nhận tiền này nên tách, rút tài liệu để xem xét, xử lý sau.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi này để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Số tiền 10.000 USD sau khi bị cáo Dũng thông qua gia đình nộp lại đã bị thu giữ, do đó, cơ quan điều tra sẽ phải kết luận "đúng - sai" trong việc đưa nhận số tiền này và trách nhiệm pháp lý có liên quan.

Việc kết luận này sẽ làm cơ sở để giải quyết hậu quả pháp lý đối với số tiền này theo quy định của pháp luật (có thu giữ hay trả lại). 

Nếu khoản tiền được xác định có liên quan đến tội phạm, do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường phân tích thêm, nếu cơ quan điều tra có chứng cứ để chứng minh rằng việc đưa nhận số tiền 10.000 USD để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì hành vi có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 Bộ luật hình sự 2015) và tội Nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015).

Nếu xác định hành vi đưa 10.000 USD cho cựu cán bộ CA là hối lộ, ông Nguyễn Đức Chung có thể bị xử lý thế nào?
Cơ quan công an chuyển các tài liệu thu giữ được tại buổi khám nhà ông Chung

Còn trường hợp việc đưa nhận tiền không liên quan đến công vụ hay việc đưa tiền không phải để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hoặc hành vi không thoả mãn dấu hiệu về mặt chủ thể và động cơ mục đích của tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này.

Ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm đối diện mức án nào?

Theo kết luận từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm đang bị đề nghị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Cường cho hay, trong trường hợp VKSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố, sau đó, toà án xét xử, kết luận các bị cáo có tội và hành vi được xác định là phạm tội thì ông Chung và các đồng phạm phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Trường hợp hành vi được xác định là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để phạm tội thì hình phạt sẽ từ 5 năm đến 10 năm tù.

Trường hợp tòa án tuyên bố hành vi của những người này là "phạm tội có tổ chức" thì ông Chung và các đồng phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù.

Nam luật sư chỉ rõ, pháp luật quy định có những loại tài liệu, thông tin thuộc dạng bí mật nhà nước và được chia thành các phân cấp như: Mật, tối mật, tuyệt mật.

Trong đó, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hình sự được xác định là tài liệu mật, không được phép công bố.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Đồng thời, người nào tiết lộ, tiêu hủy, chiếm đoạt các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ điều tra vụ án hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

"Về mặt lý luận, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành với lỗi cố ý, nhằm mục đích chiếm đoạt, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước.

Trong vụ án này, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội rất quan trọng và việc điều tra động cơ, mục đích phạm tội có thể chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Tại sao các đối tượng lại phải bất chấp quy định pháp luật, liều mình để chiếm đoạt tài liệu mật này? Chiếm đoạt tài liệu mật này nhằm phục vụ cho mục đích gì, có phải một thủ đoạn để che giấu tội phạm hay không?.

Bởi vậy, cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm cơ sở để xác định những hành vi sai phạm khác (nếu có)", luật sư Cường nêu.

Nam luật sư nhấn mạnh, việc ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm có tội hay không phải phụ thuộc vào các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây.

Tất cả các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được sẽ được đưa ra xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa.

Hoạt động tố tụng tại phiên tòa được thực hiện chủ yếu tập trung vào việc sử dụng chứng cứ và đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ bản chất vụ án trên cơ sở đó làm căn cứ để áp dụng pháp luật hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong vụ án này, các bị cáo có thể được hưởng những tình tiết giảm nhẹ nếu thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công...

Khi xem xét lượng hình, tòa án sẽ xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cụ thể với từng người trong trường hợp tuyên bố phạm tội.

Theo Hoàng Đan (Nhịp Sống Việt)