Video: Công an khám xét nhà riêng của ông Phan Văn Vĩnh
Liên quan đến vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố, chỉ trong vòng một tháng có hai vị từng là tướng của ngành Công an (Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa) đã bị tước danh hiệu Công an Nhân dân và khởi tố, bắt tạm giam.
Nhìn nhận về vụ việc này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội) cho rằng: Đảng ta đã từng khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng không có vùng cấm, kiên quyết xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật, xử lý cả những cán bộ cấp cao nếu phát hiện họ vi phạm. Nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ và đặt niềm tin vào quyết tâm của Đảng.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, việc khởi tố, bắt tạm giam với ông Phan Văn Vĩnh là rất đau xót, rất đáng tiếc. Tướng Hồng cho rằng, một người từng đứng đầu cơ quan làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật nay lại bị xử lý bằng chính những hình thức pháp luật nghiêm khắc là một điều rất trớ trêu và có phần nghịch lý, nhưng là điều tất yếu không thể khác đi.
"Nếu như Bộ Công an cùng những cơ quan tố tụng khác không có quyết tâm cao, không có nhận thức hết sức cách mạng thì vụ việc liên quan đến cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa rất có thể đã bị chìm xuồng”, tướng Hồng đánh giá.
Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, không chỉ trường hợp của ông Vĩnh, ông Hóa, trong những năm qua có không ít cán bộ, đảng viên trên nhiều lĩnh vực không giữ được phẩm chất, không chịu rèn luyện, trong khi công tác kiểm tra, thanh tra đánh giá cán bộ còn những bất cập dẫn đến trong bộ máy có những cá nhân đã vi phạm pháp luật.
“Trong công tác quản lý cán bộ, ngoài việc người cán bộ tự rèn luyện thì việc thanh tra, kiểm tra kịp thời để phát hiện ra sai phạm là hết sức cần thiết, đó là yêu cầu cấp bách, thường xuyên”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành cho biết, là người công tác rất nhiều năm trong ngành công an, ông thấy buồn khi thấy người từng là cấp chỉ huy như trường hợp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa lại vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý bằng hình sự.
Tuy nhiên điều này cho thấy quyết tâm của Đảng, của ngành công an trong việc làm trong sạch đội ngũ, xử lý sai phạm không có vùng cấm, qua đó càng củng cố thêm lòng tin, uy tín của lực lượng công an với người dân và với cán bộ, đảng viên.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng, trước đây lòng tin của Đảng và Nhân dân đối với lực lượng công an rất cao. Nhưng thời gian gần đây cùng với tiêu cực từ xã hội đã thâm nhập vào cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và lực lượng công an nói riêng khiến dư luận người dân bức xúc. Tuy nhiên việc phát hiện, làm sáng tỏ rất khó, giống như vùng tối.
Vẫn theo ông Cuông, lực lượng Công an có tính đặc thù về chức năng hoạt động, đó là cơ quan thực thi pháp luật, chuyên xử lý vi phạm ở ngoài xã hội, nếu trong ngành có những chuyện như bao che, chống lưng, lạm quyền, lợi dụng chức vụ… không được phát hiện kịp thời sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển.
“Lực lượng Công an muốn làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì trước tiên phải chống tiêu cực từ trong lực lượng, làm trong sạch đội ngũ của ngành. Vụ việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh để điều tra trước hết sẽ nâng cao uy tín của ngành Công an trước dư luận, răn đe những trường hợp nhúng chàm nhưng chưa bị lộ”, ông Cuông bày tỏ.
Theo Lương Kết (Dân Việt)