Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án VN Pharma, nguyên Tổng giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng khai nhận việc nâng khống giá trị thuốc lên hơn 100 tỷ đồng so với giá trị thật, chứ không chỉ 7,5 tỷ trong lô thuốc H-Capita đã nhập về Việt Nam. Thông tin trên đã thực sự gây choáng cho những người dự tòa.
"Bị cáo cầu xin sự khoan hồng của pháp luật. Cho bị cáo xin tại ngoại để chăm lo cho bố mẹ và người vợ đang có thai”, Nguyễn Minh Hùng vừa khóc vừa nói. |
Ngay sau đó, chủ tọa, thẩm phán và đại diện viện kiểm sát lần lượt nói với bị cáo Nguyễn Minh Hùng rằng, việc nâng khống giá thuốc có nguồn gốc không rõ ràng không chỉ làm những người mang căn bệnh ung thư thêm đau khổ, mà còn khiến cho gia đình, người thân của họ trở nên khánh kiệt. Ngoài bản án mà các bị cáo phải lĩnh, còn có bản án lương tâm sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời các bị cáo.
Nhà nước thiệt hại tiền tỷ
Thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên lợi nhuận của công ty, không phải trên doanh thu. Lợi nhuận bằng doanh thu trừ chi phí. Giá nhập hàng (chi phí đầu vào) càng cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp càng giảm. Lợi nhuận giảm thì thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.
Chia sẻ với PV về hành vi nâng khống giá thuốc nhập khẩu H-Capita 500mg của VN Pharam, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Hành vi này có dấu hiệu của tội trốn thuế. Bởi lẽ, việc nâng khống giá thuốc nhập khẩu làm cho chi phí đầu vào tăng và lợi nhuận giảm. Lợi nhuận giảm thì thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ đóng ít đi. Với giá trị kê khống hơn 100 tỷ đồng thì với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như hiện nay, ngân sách Nhà nước bị thiệt hại hơn 20 tỷ đồng”.
Theo đó, luật sư Sơn nhận định hành vi nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ đồng đã cấu thành tội trốn thuế được quy định tại Điều 161 BLHS và các bị cáo phải bị khởi tố thêm tội trốn thuế. Việc này, trong kết luận điều tra cũng đã đề cập đến.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm tới và bỏ qua tội danh này với lý do là “sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập khẩu về đã tiêu thụ, cơ quan điều tra không thu được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng hợp đồng cụ thể để kết luận”.
Luật sư Sơn cho rằng trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải tiến hành các nghiệp vụ cần thiết để điều tra, thu thập chứng cứ chứ không phải chờ đợi sự tự nguyện cung cấp của những người bị điều tra.
Và thực tế, cơ quan tố tụng đã chứng minh được số tiền kê khống trên 100 tỷ đồng được thực hiện bằng thủ đoạn dòng tiền từ VN Pharma chuyển ra nước ngoài rồi sau đó chuyển về Việt Nam thông qua một số công ty trung gian, rồi vào túi các cá nhân đang làm tại VN Pharma.
Theo đó, luật sư Sơn kết luận: “Từ số tiền nâng khống này, cơ quan điều tra nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại từng thời kỳ thì sẽ tính được số tiền trốn thuế mà không cần phải căn cứ vào hợp đồng giả tạo và hợp đồng mua bán thực tế xác định”.
Cần làm rõ dòng tiền của VN Pharma ra nước ngoài
Trong những vụ án hình sự về lĩnh vực kinh tế, việc làm rõ các dòng tiền là căn cứ để xác định chính xác việc sử dụng tài sản có được từ hành vi phạm tội, mức độ sai phạm và thiệt hại gây ra cũng như các đồng phạm (nếu có).
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) giải thích dòng tiền của VN Pharma đi vòng ra nước ngoài rồi quay lại Việt Nam là nguồn vốn của công ty. Vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn cho biết: “Nếu là vốn công ty thì phải có bằng chứng chứng minh mối quan hệ đầu tư, góp vốn giữa bên nước ngoài và VN Pharma. Hai bên phải có một thỏa thuận hợp tác, đầu tư nào đó chứ không thể nói suông được”.
Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra cần làm rõ ai là chủ thật sự của các công ty trung gian ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt, đối với các công ty trung gian ở nước ngoài do người Việt thành lập thì cần phải điều tra xác minh những cá nhân này đã thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chưa? Thực tế có chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư hay việc thành lập công ty ở nước ngoài chỉ để làm bình phong? Việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư (nếu có), chuyển tiền về nước đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hay chưa?
“Nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy giữa các bên không có mối quan hệ hợp tác đầu tư, giao dịch; hoặc ký khống các hợp đồng mua bán, hợp đồng hợp tác đầu tư để hợp thức hóa việc chuyển tiền, thì nhìn trong một bức tranh tổng thể với hành vi nâng khống giá thuốc lên hàng trăm tỷ đồng, rõ ràng đây là một trong chuỗi các thủ đoạn nhằm trốn thuế của VN Pharma. Trong trường hợp này thì những cá nhân ở các công ty liên quan cũng được xem là đồng phạm trong tội trốn thuế”, luật sư Sơn kết luận.
Về vấn đề này, luật sư Nông Minh Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng: “Theo tình tiết vụ án, việc cơ quan tố tụng không xử lý hành vi trên về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo điều 154 của Bộ Luật Hình sự là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Cuối tháng 8/2017, TAND TP.HCM xét xử vụ án Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu xảy ra tại công ty VN Pharma. Nguyên tổng giám đốc của công ty này lĩnh 12 năm tù. |
Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)