Thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện "hù dọa" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến ngày càng phức tạp. Dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
"Tôi như bị thôi miên qua điện thoại"
Anh N.H.L (sinh năm 1989, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên. Chia sẻ với chúng tôi, anh L. cho biết chiều ngày 2/6, anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số +1(310)000 và +8832363822300. Trên điện thoại, đối tượng lừa đảo tự xưng là công an cho biết anh có một án phạt nguội liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng và yêu cầu anh không được tiết lộ chuyện này với người thân.
Theo lời kể của anh L., đối tượng lừa đảo dẫn dắt anh đi báo án vì có người sử dụng tên của anh L. để thuê xe ô tô gây tai nạn. Để tạo lòng tin, đối tượng này nối máy anh đến "Đội 1 Công an Đà Nẵng", đọc mã biên bản vụ tai nạn giao thông. Khi chuyển máy đến đầu dây này, các đối tượng tiếp tục dẫn dắt và cho biết anh L. có thể bị lộ thông tin trong một vụ án ngân hàng truyền dữ liệu ra ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng tiếp tục chuyển đường dây cuộc gọi đến "Phòng thông tin quốc gia". Tại đây, các đối tượng cho biết tên anh L. đang nằm trong đường dây buôn bán ma túy, có tài khoản lên đến 28 tỷ đồng.
"Tôi như bị thôi miên qua điện thoại. Tôi đã cung cấp chứng minh thư và số tài khoản ngân hàng cho chúng", anh L. chia sẻ.
Anh L. gửi hình ảnh chứng minh thư cá nhân cho các đối tượng lừa đảo trên Zalo. Để tiếp tục đe dọa anh L., các đối tượng này còn gửi hình ảnh về "Quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ niêm phong tài sản thi hành án hình sự" và "Lệnh bắt bị can để tạm giam" của VKSND tối cao TP. Đà Nẵng. Trong các giấy tờ này đều có đầy đủ hình ảnh, thông tin cá nhân của anh L.
Kèm với đó, các đối tượng này sử dụng các câu đe dọa: "Anh đang có dấu hiệu chống đối và bất hợp tác với cơ quan chức năng chúng tôi phải không?".
"Rồi bây giờ chúng tôi sẽ cho anh một cơ hội. Đó là làm việc sau 17h chiều nay, anh nhớ cầm máy để tí tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng chúng tôi".
Đến lúc này, anh L. mới yêu cầu được nói chuyện với hình thức video call với người đối diện để xác thực đó có phải người của cơ quan chức năng không.
"Bọn chúng yêu cầu gọi phải nghe máy để phục vụ điều tra rồi phải chụp ảnh gửi qua Zalo chứng minh là không bị tội phạm khống chế. Tôi mới bảo thế các anh chụp lại cho tôi xem ảnh mặt công an thì chưa thấy gửi. Lúc này tôi mới tỉnh tỉnh ra", anh L. kể lại sự việc.
Rất may anh L. đã kịp thời tỉnh táo nếu không các đối tượng lừa đảo rất có thể sẽ tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt.
Cảnh giác để tránh "mắc bẫy" của các đối tượng lừa đảo
Công an thành phố Hà Nội kêu gọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm sử dụng thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp để gọi điện, lừa đảo.
Đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, người dân phải nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh "mắc bẫy của đối tượng xấu". Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Theo Thanh Thanh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)