Hạp Tiến Bắc (trái) và Phạm Tiến Mạnh tại cơ quan điều tra |
Chiều 13-6, Đội cảnh sát hình sự công an Q.Bình Thạnh cho biết đã khởi tố 2 bị can lừa tiền hàng chục người qua mạng.
Dùng chiêu rao bán xe tốt giá mềm để dụ "con mồi"
Theo công an Q.Bình Thạnh, ngày 8-3, anh Nguyễn Quốc Hùng (28 tuổi, thường trú ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) có lên trang chotot.vn tìm mua xe máy, thấy chủ tài khoản tên Nguyễn Trường Nhị rao bán chiếc Air Blade giá 24 triệu đồng.
Thấy giá mềm, anh Hùng gọi cho Nguyễn Trường Nhị và Nhị hẹn anh Hùng ngày 9-3 đến Sacombank - Phòng giao dịch Thanh Đa để giao xe.
Giữ lời hẹn, sáng hôm sau anh Hùng đến địa điểm trên để giao tiền, lấy xe. Nhị viện cớ bận, yêu cầu anh Hùng liên lạc với một người tên Hoàng là em của Nhị hiện đang công tác tại Sacombank - Phòng giao dịch Thanh Đa.
Sau đó, anh Hùng gọi điện, Hoàng nói đang họp, không xuống tiếp anh Hùng được nhưng bảo anh Hùng cứ yên tâm chuyển 20 triệu cho Hoàng, họp xong Hoàng sẽ đem xe giao cho anh Hùng.
Không mảy may nghi ngờ, anh Hùng liền chuyển 20 triệu vào tài khoản mang tên Nguyễn Trường Nhị. Khi chuyển tiền xong, anh Hùng không liên lạc được với Nhị và Hoàng. Anh liền lên lại trang chotot.vn thì thấy tài khoản Nguyễn Trường Nhị đã xóa thông tin rao bán chiếc Air Blade trước đó.
Biết mình bị lừa, anh Hùng đến công an P.25 trình báo. Công an P.25 lập hồ sơ chuyển cho công an Q.Bình Thạnh.
Công an Q.Bình Thạnh tiến hành phong tỏa số tài khoản của đối tượng và từ số tài khoản này, xác định Nhị ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Công an Q.Bình Thạnh quyết định đến Kiên Giang và tiếp cận được anh Nhị “thật”. Qua tìm hiểu được biết anh Nhị đi làm công nhân ở TP.HCM và bị rớt CMND. Anh Nhị chưa từng mở một tài khoản nào ở ngân hàng.
Qua điều tra, công an Q.Bình Thạnh có đến 23 người đã giao dịch với tài khoản Nguyễn Trường Nhị. Công an đã gọi trực tiếp cho người đã giao dịch với Nhị thì tiếp nhận được thông tin có 12 người ở khắp các tỉnh thành bị lừa nhưng chỉ có 3 người trong số đó có trình báo công an.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an Q. Bình Thạnh đã xác định đối tượng là Phạm Tiến Mạnh (32 tuổi, ngụ P.15, Q.8). Mạnh là kẻ giả danh anh Nguyễn Trường Nhị mở tài khoản ngân hàng và lừa bán xe máy.
Mạnh cho biết trước đây là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM, từng bị công an Q.11 bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2010.
Tang vật vụ án |
Dùng một chiêu, lừa nhiều người
Đáng nói là, khi công an đang điều tra vụ án và phong tỏa tài khoản Nguyễn Trường Nhị thì anh Nguyễn Hồng Phúc (ngụ Đồng Nai) cũng lên trang chotot.vn, thấy tài khoản có tên "thầy Nhị - giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM" rao bán xe SH giá 22,5 triệu đồng.
Sau khi kỳ kèo giá cả qua điện thoại, “thầy Nhị” chốt giá 20 triệu với anh Phúc và cũng hẹn anh đến Sacombank - Phòng Giao dịch Thanh Đa.
Tại đây, “thầy Nhị” gọi nói anh Phúc liên lạc với Hoàng - em trai "thầy Nhị" và anh Phúc đã chuyển 20 triệu đồng cho Hoàng, qua tài khoản mang tên Lê Hải Bằng.
Khi chuyển tiền xong, không liên lạc được với người bán xe, anh Phúc đã báo công an. Công an Q.Bình Thạnh xác định Phạm Tiến Mạnh là kẻ đã rút tiền của anh Phúc.
Các trinh sát xác định người tự xưng Hoàng - em đối tượng Nhị, chính là Hạp Tiến Bắc (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú) là đồng bọn của Mạnh.
Công an Q. Bình Thạnh lập chuyên án xác minh, theo dõi. Đến chiều 10-6, phát hiện 2 đối tượng hẹn nhau ở một quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) nên triệu tập về trụ sở làm việc.
Bắc khai mua giấy chứng minh ở các tiệm cầm đồ với giá 300.000 đồng để Mạnh dán hình của mình lên rồi ra ngân hàng mở tài khoản. Thu giữ trong người 2 đối tượng, cốp xe và xét nhà, công an thu giữ nhiều giấy chứng minh có hình Mạnh, thẻ ngân hàng mang tên Mạnh.
Khám xét người, nhà Hạp Tiến Bắc, công an thu giữ chứng minh mang tên Lê Hải Bằng, Nguyễn Trường Nhị, Nguyễn Văn Cư...
Công an Q. Bình Thạnh đề nghị những ai đã chuyển tiền vào các tài khoản mang tên Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Trường Nhị, Phạm Tiến Mạnh, Hạp Tiến Bắc và Trần Quốc Cảnh để mua xe, đến trụ sở công an Q.Bình Thạnh khai báo, hợp tác điều tra.
Theo Trần Kim Anh (Tuổi Trẻ)