Bị chồng lên hai bản án oan giết người và đối diện với mức hình phạt tử hình. Nhưng cuối cùng công lý cũng đến với ông Huỳnh Văn Nén.
PV: Ông Huỳnh Văn Nén là người ngồi tù oan trong cả hai vụ án giết người(vụ án vườn Điều giết bà Dương Thị Mỹ và vụ án giết bà Lê Thị Bông)? Việc bồi thường cho ông Nén sẽ ra sao thưa ông?
Luật sư Trần Đình Dũng: Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường cho ông Nén cả hai bản án oan sai. Người nào gây oan sai khâu nào, án nào phải chịu trách nhiệm phần đó, theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng thời gian ông Nén ngồi tù là 17 năm 5 tháng, phải xác định ông Nén đã ở tù 6 năm theo án tuyên trong vụ vườn Điều, còn lại 11 năm 5 tháng ở tù oan cho vụ giết bà Lê Thị Bông.
Việc bồi thường oan sai cho ông Nén không phụ thuộc vào việc hung thủ thực sự có bị bắt, hay chưa bị bắt. Việc bồi thường oan sai trong trường hợp này được xác định ngay khi có quyết định đình chỉ điều tra.
PV :Theo luật sư, ông Nén sẽ nhận được bao nhiêu tiền cho cả hai án oan? Tiền thiệt hại tinh thần được xác định như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng trao đổi với PV
Luật sư Trần Đình Dũng: Nguyên tắc bồi thường oan sai được điều chỉnh bởi Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Theo đó, trị giá bồi thường được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại do oan sai.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần từ việc bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Ông Nén phải chịu hình phạt tù tổng cộng 17 năm 5 tháng tương đương với 6.355 ngày x 3 x 80.000 đồng (1 ngày lương tối thiểu cho khu vực III nơi ông Nén sinh sống) = 1.525.200.000 đồng.
Ngoài thiệt hại tinh thần ra, ông Nén được bồi thường về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất trong 17 năm 5 tháng được tính trong trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung và bồi thường chi phí thuốc men, chăm sóc, phục hồi sức khỏe do thiệt hại về sức khỏe.
Cơ quan gây oan sai cho ông Nén cần phải xem xét từ mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (vụ án oan ở Bắc Giang) để giải quyết thương lượng hợp lý cho ông Huỳnh Văn Nén.
Căn cứ để bồi thường được xác định tại các Điều 46, 47, 49 LTNBTCNN, nếu thương lượng không thành, ông Nén có quyền kiện yêu cầu tòa án giải quyết xác định số tiền bồi thường.
PV: Luật sư nghĩ sao nếu số tiền cơ quan chức năng bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén ít hơn so với số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù oan 10 năm?
Luật sư Trần Đình Dũng: Số tiền bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn là kết quả của việc thương lượng thành giữa cơ quan tiến hành tố tụng và ông Chấn. Như trên tôi đã nói, bồi thường trên cơ sở thương lượng có lợi cho người bị oan sai một cách kịp thời góp phần xoa dịu nỗi đau của họ và gia đìnhhọ.
Tôi tin rằng, cơ quan bồi thường cho ông Nén sẽ tìm cách thương lượng thỏa đáng trên cơ sở luật định số tiền cao nhất có thể dành cho ông Nén.
PV: Thưa ông, có quy định nào của pháp luật quy định số tiền tối đa mà cơ quan chức năng phải bồi thường cho người yêu cầu bồi thường hay không? Hay tổn thất đến đâu bồi thường đến đó?
Luật sư Trần Đình Dũng: Hiện nay luật không qui định khung bồi thường tối đa là bao nhiêu mà bồi thường theo thiệt hại thực tế, tổn thất đến đâu bồi thường đến đó. Nếu người bị oan sai lúc bị bắt họ có thu nhập cao (Ví dụ người bị bắt là chủ doanh nghiệp) thì số tiền bồi thường cho họ có thể tính đến con số hàng trăm tỷ đồng.
Theo Việt Thu - Công Thư (Nguoiduatin.vn)