Ðề nghị triệu tập 3 nhà mạng
Vì số lượng người tham gia quá nhiều, sáng 12/11, HĐXX đã dành toàn bộ phần làm việc buổi sáng để kiểm tra căn cước, ghi nhận các ý kiến về tố tụng trước khi xét hỏi. Trong số 92 bị cáo hầu tòa, bà Đặng Thu Hà (SN 1985, bị truy tố tội đánh bạc) xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, trong gần 100 đương sự, chỉ có 3 điều tra viên của Công an Phú Thọ có mặt, các nhân chứng, bị hại, người liên quan trong vụ án vắng mặt hoặc chỉ có luật sư bảo vệ.
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương xin ý kiến về việc vắng mặt này. Đáp lại, kiểm sát viên và các luật sư dẫn các quy định của pháp luật và đề nghị tiếp tục xét xử vì họ đã có lời khai tại cơ quan điều tra. Do thời gian phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày, một số luật sư được cho phép vắng mặt khi thân chủ của mình chưa được xét hỏi, tranh tụng. Chủ tọa cũng cho phép các bị cáo sức khỏe yếu được ngồi và thông báo, tòa án đã chuẩn bị xe cứu thương, các phương tiện y tế khác để phòng trường hợp bất trắc.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra liên tục, bao gồm 13 ngày để xét hỏi, tranh luận; nghị án 4 ngày và tuyên án vào 30/11. Nhằm tiết kiệm thời gian, HĐXX và những người tham gia tố tụng cùng các bị cáo thống nhất sẽ không nhắc lại lý lịch của các bị cáo (dài 59 trang) trong phần công bố cáo trạng và tuyên án do đã được nêu khi kiểm tra căn cước.
Tại phần thủ tục, luật sư Đỗ Ngọc Quang, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đề nghị triệu tập người liên quan để làm rõ có hay không việc Bộ Công an từng chỉ đạo điều tra vụ án. Theo luật sư Quang, việc này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi thân chủ của mình. Luật sư Quang cũng đề nghị triệu tập đại diện Bộ TT&TT; các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone nhằm làm rõ các tình tiết.
“Ưu ái” Cty bình phong
Buổi chiều, phiên tòa bước sang phần xét hỏi bằng việc đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ công bố bản cáo trạng dài 235 trang. Theo truy tố, năm 2015, Phan Sào Nam - GĐ Cty CP VTC truyền thông tới gặp Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC và thống nhất 2 công ty sẽ liên kết xây dựng hệ thống đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.clup; 23Zdo; Zon/Pen. Hệ thống này đã thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Cty CNC được xác định là Cty bình phong của C50, được thành lập năm 2011 dưới chỉ đạo bị cáo Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Cụ thể, ông Vĩnh chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa thành lập Cty bình phong; giới thiệu Nguyễn Văn Dương tới gặp Nguyễn Thanh Hóa để thống nhất xây dựng Cty CNC với thỏa thuận lợi nhuận chia theo tỷ lệ 80% cho CNC, 20% cho C50.
Năm 2012, bị cáo Dương đề nghị tới các ông Vĩnh, Hóa về việc cho CNC phát hành các trò chơi cờ bạc trên mạng nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất từ thực tế để quản lý các hoạt động bất hợp pháp trên mạng, tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker “mũ trắng”. Tiếp đến, Nguyễn Văn Dương thông báo CNC đã tạo cổng thanh toán trực tuyến, đề nghị C50 hỗ trợ việc đưa các game bất hợp pháp (có danh sách kèm theo) lấy cổng thanh toán của CNC làm công thanh toán duy nhất.
Năm 2015, sau khi thỏa thuận cùng Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương được bị cáo Phan Văn Vĩnh cho thuê số nhà 10 Hồ Giám (Hà Nội) làm trụ sở của CNC. Theo cáo trạng, việc này tạo ra rào cản với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan khác xác minh, xử lý vi phạm của CNC.
Miễn truy cứu hình sự tội đưa hối lộ vụ đánh bạc nghìn tỷ Bị Cáo Nguyễn Văn Dương được miễn trách nhiệm hình sự tội "đưa hối lộ". Ảnh: Như Ý
Năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển CNC với mục tiêu chính: “Xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”. Để thực hiện, CNC cần xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm tình hình tội phạm và cũng để có nguồn thu. Tháng 5/2016, tướng Hóa báo cáo tướng Vĩnh về việc CNC đang vận hành 2 cổng game dù không được phép. Ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới lập văn bản để mình ký, gửi Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game này nhưng không được đồng ý.
Tháng 7/2016, lãnh đạo Bộ Công an nhiều lần yêu cầu các ông Vĩnh, Hóa báo cáo về hoạt động của CNC nên các bị cáo yêu cầu CNC dừng hợp tác với Cty VTC, chấm dứt hoạt động các cổng game. Tiếp đến, tướng Hóa đề nghị và được tướng Vĩnh đồng ý cho điều tra, xử lý các cá nhân vi phạm tại các Cty CNC và VTC. Tuy nhiên, C50 đã không xây dựng kế hoạch, không điều tra xác minh nhằm đấu tranh.
Tháng 4/2017, ông Nguyễn Thanh Hóa chính thức ký văn bản dừng phối hợp với Cty CNC nhưng lúc này, CNC vẫn tổ chức đánh bạc. Ông Hóa còn chỉ đạo cấp dưới soạn công văn khống, lùi thời gian về ngày 12/10/2011 để Trung tướng Phan Văn Vĩnh ký, xác nhận nhằm né tránh trách nhiệm.
Miễn truy cứu tội hối lộ
Trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; Cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát. Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu... và không nhận tiền.
Đến nay, CQĐT chỉ khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau. Cáo trạng kết luận: “Thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước..., ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội “Đưa hối lộ”
Tương tự, bị cáo Lưu Thị Hồng - TGĐ Cty CNC cũng được miễn truy cứu về tội “Đưa hối lộ” vì lý do thực hiện chính sách khoan hồng. Bà Hồng khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập Cty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại CQĐT.
Tại tòa, Chủ tọa cho biết bản án có thể được công khai lên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh Phú Thọ nếu các bị cáo đồng ý, và chỉ cần một bị cáo từ chối điều này, thì sẽ thay đổi. Ông Phan Văn Vĩnh đã đề nghị không công bố.
Ðược hỏi về những áp lực của cơ quan xét xử khi giải quyết vụ án, đại diện TAND tỉnh Phú Thọ nói: “Áp lực không phải từ bị cáo từng là quan chức, tướng tá mà tòa án phải cố gắng làm sao để người dân, công luận thấy rằng công lý đã được thực thi, không có bất cứ vùng cấm nào cho bất kỳ ai một khi đã vi phạm pháp luật”.
Phá nhiều “kỷ lục”
Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ khai mạc phiên xử vụ án“Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Rửa tiền”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Đánh bạc”; “Tổ chức đánh bạc” và “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Ngay từ sớm, an ninh phiên tòa được thắt chặt dưới sự bảo vệ của hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an cùng nhiều thiết bị chuyên dụng. Các bị cáo cùng người nhà, luật sư... đều được kiểm tra kỹ qua hệ thống cửa dò kim loại, được cấp thẻ ra vào phiên tòa. Vụ án cũng thu hút hơn 50 cơ quan báo chí tới dự, đưa tin.
Được hỏi về những áp lực của cơ quan xét xử khi giải quyết vụ án, đại diện TAND tỉnh Phú Thọ nói: “Áp lực không phải từ bị cáo từng là quan chức, tướng tá mà tòa án phải cố gắng làm sao để người dân, công luận thấy rằng công lý đã được thực thi, không có bất cứ vùng cấm nào cho bất kỳ ai một khi đã vi phạm pháp luật”.
Theo lãnh đạo tòa án Phú Thọ, đây là vụ án phá nhiều kỷ lục về số bị cáo đông nhất 92 người cùng gần 100 nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tiếp đến, hồ sơ vụ án lên tới 1,2 triệu bút lục, tòa án phải dùng 7 tủ lớn để đựng và rất khó khăn mỗi khi tiếp nhận; số tiền thu lời bất chính trong vụ lên tới 9.853 tỷ đồng, hiện đã thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục. Phiên tòa cũng ghi nhận lần đầu tiên cơ quan chức năng phải lợp mái tôn lên khoảng sân rộng 1.000m2 nhằm tạo “phòng” xét xử.
Theo Như Ý - Tùng Duy - Xuân Ân (Tiền Phong)