Mất tích rồi phát hiện án mạng: Tăng đề kháng trước hiểm nguy

22/02/2024 07:21:19

Những vụ mất tích rồi phát hiện án mạng gần đây phần nào cho thấy khả năng tự cảnh giác của mỗi người, đặc biệt là phái yếu, là một yếu tố quan trọng cho an toàn bản thân

Ngày 21-2, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Minh Hào (SN 2004 quê Bắc Giang) về tội "Giết người" và "Cướp tài sản".

Nhiều vụ án đau lòng

Tại cơ quan điều tra, Hào khai ngày 22-1, sau khi trộm cắp xe máy ở TP Hà Nội đã mang cầm cố được 10 triệu đồng rồi bắt xe đi Hà Tĩnh để chơi Tết. Lúc về, Hào lên mạng xã hội tìm nhà trọ và liên hệ với chị L.T.T.L (SN 2003, quê Thanh Hóa). Chị L. quản lý một số nhà trọ, chung cư mini đồng ý dẫn Hào đi xem phòng.

Tối 16-2, chị L. dẫn Hào đến xem phòng trọ tại ngõ 79 Cầu Giấy (TP Hà Nội). Tại đây, nhận thấy chị L. đi một mình nên Hào nảy sinh ý định phạm tội. Sau khi sát hại nạn nhân, Hào cướp xe máy, 2 điện thoại rồi bỏ trốn và sa lưới 3 ngày sau đó.

Trước đó, Công an TP Hà Nội đã bắt Tạ Duy Khanh (SN 1983, quê Thái Bình) do đã sát hại, phân xác nạn nhân H.Y.N (SN 2006). Khanh khai do quen biết từ trước nên ngày 10-10-2023, chị N. đến nhà Khanh chơi. Trong lúc nói chuyện thì xảy ra mâu thuẫn, Khanh sát hại chị N. rồi phân xác, bỏ vào thùng xốp, thuê taxi đưa ra sông Hồng phi tang.

Một vụ án đau lòng khác xảy ra tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, TP Thủ Đức) vào đầu tháng 10-2023. Nạn nhân là chị H.T.T.T (SN 1996, Long An), tử vong do bị đâm hàng chục nhát. Sau khi gây án, Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1980) bị bắt tại phòng trọ.

Hồ sơ thể hiện Dung thường xuyên mua rau củ quả của gia đình chị T. và biết chị T. đeo vàng, thường để tiền mặt trong người. Ngày 30-9-2023, Dung thủ sẵn dao rồi đến sạp của chị T. nói với chị rằng có một mối làm ăn lớn cần gặp để mua sỉ rau củ. Dung chở chị T. ra bãi xe container vắng người trong chợ. Đến nơi, thấy không ổn, chị T. định rời đi thì bất ngờ Dung lao vào tấn công, cướp hơn 2 lượng vàng cùng tiền của nạn nhân.

Cũng tại TP Thủ Đức chiều 8-2, Nguyễn Đăng Khoa (SN 1999) nhờ chị V.T.T (SN 1999, quê Đồng Nai) sang khiêng giúp đồ trong phòng trọ. Chị T. vào phòng thì bị Khoa sát hại, cướp tài sản, hiếp dâm rồi phi tang xác ở bãi đất trống. Khoa bị bắt khi trốn ra Bình Định.

Mất tích rồi phát hiện án mạng: Tăng đề kháng trước hiểm nguy
Nguyễn Đăng Khoa bị bắt tại Bình Định

Cần cảnh giác cao

Thượng tọa Thích Nhật Từ (Trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, TP HCM) đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đau lòng. Theo thượng tọa, về phía những kẻ bất thiện, họ tìm kiếm những cô gái thiếu kinh nghiệm về pháp luật, kinh nghiệm sống để tấn công. Những kẻ này thường không có niềm tin về nhân quả, đạo đức, tình người nên ranh giới đến với cái ác không xa.

Trong khi đó, các nạn nhân có thể dễ tin người, kể cả những người xa lạ và rồi gặp nguy hiểm. Một nguyên nhân khác là thiếu hiểu biết, nghĩ ai cũng như mình hoặc tốt như người thân của mình nên nạn nhân bỏ qua sự phòng ngừa cần có.

Với phụ nữ, theo thượng tọa Thích Nhật Từ, càng phải tự thương chính mình trước khi nghĩ tới sự bảo hộ của pháp luật. Để bản thân an toàn, khi đi tới nơi lạ lẫm nên có người thân quen đi cùng. Không nên nghe người khác mời đi đột ngột mà đi luôn.

"Chị em có thể bị thiệt thòi và trở thành nạn nhân của các vụ cướp, giết, hiếp... Do đó, đối với những người mình chưa từng quen biết, chỉ biết qua mạng xã hội hay qua sự giới thiệu của người khác thì đề cao cảnh giác" - thượng tọa Thích Nhật Từ khuyến cáo.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM, cho rằng giáo dục là vấn đề cốt lõi để hình thành nhân cách một người tốt, ít lòng tham và luôn có tâm hướng thiện. Luật sư Ngọc Nữ nói gia đình là nơi vun đắp tình thương, cha mẹ dạy cho con những lời hay ý đẹp để giúp các con trở thành một người tốt. Những đứa trẻ cộc cằn, những người có hành động lệch chuẩn thường có một gia đình bất ổn, không được nuôi dạy tử tế. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn để giúp các con có nền tảng đạo đức vững chắc, điều đó cũng đồng nghĩa với ngăn chặn từ xa mầm mống tội ác.

Để giáo dục, phổ biến kiến thức đến học sinh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức phiên tòa giả định. "Qua những phiên tòa này, chúng tôi thấy đó là cách giáo dục rất hiệu quả. Các em dễ hình dung hậu quả mà chính bản thân người phạm tội, gia đình họ, gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Từ đó giúp các em ứng xử đúng đắn, nghĩ về người khác nhiều hơn khi làm một việc nào đó" - luật sư Ngọc Nữ cho biết. 

Tránh tiếp xúc hình ảnh bạo lực

Theo nhiều khảo sát, không gian mạng là nơi phát tán quá nhiều thông tin, hình ảnh, trong đó hình ảnh bạo lực khiến không ít người bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, cho rằng các cơ quan quản lý cần thường xuyên tuyên truyền, áp dụng những biện pháp mạnh đối với những cá nhân, tổ chức cố tình đưa những nội dung bạo lực, không lành mạnh lên mạng xã hội.

Bà Thu nhấn mạnh quá trình tiếp thu cái xấu rất nhanh, nên khi trẻ còn lứa tuổi học sinh, cha mẹ cần quan tâm, quản lý con, hướng cho con tiếp cận những phẩm chất tốt.

Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)