Tháng 5/2017, PVTEX được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để xây dựng Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng).
Tháng 8/2009, Trần Trung Chí Hiếu (Chủ tịch HĐQT PVTEX) ký quyết định thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên công ty với tổng mức đầu tư hơn 318,6 tỉ đồng (giai đoạn 1 hơn 101,7 tỉ đồng và giai đoạn 2 hơn 216,8 tỉ đồng).
Nguồn vốn thực hiện giai đoạn 1 là vốn vay của PVN và vốn chủ sở hữu của PVTEX.
Dự án này được PVTEX chỉ định cho Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) của Trịnh Xuân Thanh thi công, sau đó PVC giao cho Cty con là Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) thực hiện. PVC.KBC sau đó liên danh với Cty Cổ phần thiết kế quốc tế HEERIM.PVC để thực hiện dự án này.
Mặc dù cả hai nhà thầu này đều không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để thực hiện dự án, Nhưng Vũ Đình Duy khi đó là Tổng Giám đốc PVTEX vẫn ký văn bản đánh giá liên danh 2 doanh nghiệp trên đủ điều kiện trúng thầun
Ngoài chỉ định thầu sai quy định, các bị cáo này còn có hành vi tạm ứng trái mục đích số tiền hàng chục tỉ đồng cho PVC.KBC.
Sau khi nhận tiền tạm ứng, Đỗ Văn Hồng đã không sử dụng đúng mục đích mà mua 1 lô đất 3.400 m2 trị giá 23,8 tỷ đồng tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc đứng tên sở hữu của PVC.KBC.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lô đất này cho Cty Mai Phương của gia đình Trịnh Xuân Thanh với giá 23,8 tỷ đồng, nhưng trên thực tế Cty Mai Phương mới trả cho PVC.KBC 20,8 tỷ đồng, còn lại 3 tỷ đồng vẫn chưa thanh toán.
Còn thực tế thì dự án không được hoàn thiện mà dừng hẳn thi công từ tháng 3/2012, để công trình dở dang, xuống cấp nghiêm trọng.
Sau nhiều lần Đỗ Văn Hồng cam kết sẽ hoàn trả tạm ứng bằng việc tiếp tục thực hiện dự án nhưng không thực hiện, tháng 1/2014, PVTEX đơn phương chấm dứt hợp đồng và đến năm 2015 mới được PVC.KBC hoàn trả 1,5 tỉ đồng, còn hơn 19 tỉ đồng Đỗ Văn Hồng cho biết không còn khả năng hoàn trả. Đây là số tiền được xác định thiệt hại.
Hôm nay, trả lời HĐXX về tạm ứng và sử dụng số tiền tạm ứng này, bị cáo Đỗ Văn Hồng thừa nhận: "Sau khi nghe truy tố của cơ quan chức năng, bị cáo nghĩ mình đã sai. Bị cáo sai vì không đọc căn cứ trong hợp đồng số 14, không đọc Nghị định 48 của Chính phủ. Bị cáo nhận thức được sai phạm của mình nên đã chủ động khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo", bị cáo Hồng nói.
Cũng theo bị cáo Hồng, quá trình quản lý và điều hành PVC.KBC, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT, Đỗ Văn Hồng quen với Trịnh Xuân Thanh qua một vài người quen giới thiệu.
Theo lời khai của bị cáo Hồng thì đến giữa năm 2010 ông ta và Vũ Đình Duy mới quen biết nhau. Lúc đó, 2 người đã trao đổi về việc liên kết thành lập PVTEX Kinh Bắc nhằm sản xuất ống cuốn sợi, thùng carton để bán cho PVTEX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra.
Sau đó Đỗ Văn Hồng thống nhất với Vũ Đình Duy vốn điều lệ của PVTEX Kinh Bắc là 30 tỉ đồng. Trong đó, ông Hồng được góp 70% (21 tỉ đồng) và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, PVTEX góp 10%, 20% còn lại là của Duy và Trần Trung Chí Hiếu.
Tuy nhiên, Đỗ Văn Hồng phải chi tiền nộp cho cả 2 người này với lý do để Trần Trung Chí Hiếu đồng ý thành lập và “tạo điều kiện" cho việc kinh doanh của PVC.KBC được thuận lợi.
Sau đó, Vũ Đình Duy nhờ em dâu là Đỗ Thị Thùy Linh; Trần Trung Chí Hiếu nhờ em rể là Trần Cường, đứng tên hộ số cổ phần này tại PVTEX Kinh Bắc. 6 tỉ đồng vốn góp của 2 người này được vợ Đỗ Văn Hồng mang đến nộp, ký tên Linh và Cường.
Tháng 5/2011, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy đã để PVTEX mua lại số cổ phần này và một số cổ phần khác nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, chiếm dụng, hưởng lợi số tiền 6 tỉ đồng có được từ chuyển nhượng.
Cơ quan điều tra khẳng định có căn cứ để xác định Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự ảnh hưởng của mình buộc Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỉ đồng để tham gia góp vốn.
Trong quá trình điều tra, Đỗ Văn Hồng khai nhận đã chi số tiền lên tới gần 9 tỉ đồng để Vũ Đình Duy sửa nhà và đóng cổ phần tại PVTEX Kinh Bắc. Tuy nhiên lời khai này chưa được làm rõ vì Vũ Đình Duy chưa bị bắt.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng đã phạm vào tội Cố ý làm trái và có dấu hiệu phạm tội “đưa hối lộ”, nhưng do Đỗ Văn Hồng “bị ép buộc và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác”, nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự với Hồng về hành vi này.
Theo Hà Châu (Giadinh.net.vn)