Một ngày giữa năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận đơn trình báo của ông N.C.T (cán bộ hưu trí, trú TP Huế) về việc bị các đối tượng giả danh cán bộ điều tra gọi điện lừa đảo 2,2 tỷ đồng.
Theo tường trình của ông T., khi ông đang ở nhà thì có một người gọi đến số điện thoại của ông, xưng là cán bộ công an đang điều tra vụ rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài. Qua điện thoại, người này cho biết ông T. là một trong những đối tượng được xác định nằm trong đường dây này.
Đối tượng hỏi ông T. có phải họ tên đầy đủ là N.C.T. không rồi đọc đúng số nhà, địa chỉ ông T… Ông T. nghe vậy rất bất ngờ, hoang mang.
Tiếp đó người này nói, ông T. có tài khoản nghi vấn liên quan đến vụ án và có thể bị bắt tạm giam.
Sau đó, một người khác tự xưng là Viện phó Viện KSND gọi điện cho ông T. nói rằng, nếu ông T. muốn tại ngoại để chứng minh vô tội thì phải nộp tiền bảo lãnh bằng cách chuyển tiền vào ngân hàng Nhà nước. Nếu sau vài ngày điều tra mà ông T. không có tội, tiền sẽ được chuyển trả lại tài khoản của ông.
Những đối tượng giả danh cán bộ này “ra lệnh” cho ông T. trong 2 ngày phải có đủ số tiền 2,2 tỷ đồng nộp vào tài khoản.
Từ khi nhận được điện thoại, ông T. và người thân rất hoang mang. Do suy nghĩ nếu nộp tiền vào tài khoản và chứng minh vô tội thì sẽ rút lại được số tiền này nên ông T. đã vay mượn nhiều nơi để có đủ số tiền 2,2 tỷ đồng.
Tiếp đó, ông T. đến một ngân hàng ở TP Huế mở tài khoản Internet banking, địa chỉ và tên ông T. đứng mở, nhưng thông tin số điện thoại, địa chỉ email trong tài khoản là do các đối tượng cung cấp, yêu cầu ông T. điền vào.
Sau khi nộp 2,2 tỷ đồng vào tài khoản, ông T. chụp chứng từ liên quan kèm với thông tin tài khoản ngân hàng gửi cho người xưng là Viện phó Viện KSND xem.
Tuy nhiên, do nghi ngờ mình bị lừa, ít ngày sau ông T. đến ngân hàng kiểm tra số tiền trong tài khoản thì tá hỏa khi phát hiện số tiền 2,2 tỷ đồng vừa gửi 2 hôm trước giờ chỉ còn 200.000 đồng nên lập tức trình báo đến cơ quan công an.
Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn – Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, ông T. chỉ là một trong số hàng trăm người khác “bất ngờ” trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao mà đơn vị này tiếp nhận, xử lý trong những năm vừa qua.
Chiêu trò tuyển CTV bán hàng
Lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có dấu hiệu gia tăng, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi với các thủ đoạn lừa đảo như vay tiền qua app, tuyển cộng tác viên (CTV) làm việc online.
Bà T.H.D. (43 tuổi, trú TP Huế) cho biết, do có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong thời gian dịch Covid-19, bà đã liên hệ vào một Fanpage tìm kiếm việc làm trên Facebook. Sau khi liên hệ, bà được hướng dẫn làm CTV online.
Theo bà D., lúc đầu, các đối tượng hướng dẫn bà mua hàng trên hệ thống Lazada với mỗi sản phẩm bà sẽ được hưởng 10% giá trị.
Sản phẩm đầu tiên mà các đối tượng gửi cho bà thanh toán có giá trị là 300.000 đồng, sau khi thanh toán thành công, khoảng 10 phút sau, bà D. được các đối tượng chuyển khoản lại 330.000 đồng vào tài khoản của mình.
“Tiếp đó, tôi được các đối tượng gửi cho một sản phẩm có giá trị là 3 triệu đồng, tuy nhiên, khi tôi chuyển khoản thành công thì họ thông báo quá trình giao dịch của tôi đã bị lỗi.
Khi tôi hỏi họ bây giờ phải làm sao để nhận lại được số tiền đã chuyển cùng hoa hồng, họ đề nghị tôi tiếp tục thực hiện lại giao dịch, thế nhưng mỗi lần tôi thực hiện giao dịch chuyển tiền thành công qua tài khoản thì các đối tượng lại thông báo tôi đã làm sai các bước chuyển tiền nên hệ thống không xử lý được”, bà D. kể lại.
Sau khi tài khoản của bà D. cạn kiệt, nhóm tội phạm lừa đảo cũng âm thầm chặn tất cả liên hệ với nạn nhân.
Theo cơ quan công an, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, mạng internet quảng cáo dịch vụ vay tiền online với các thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Ngay sau khi có “con mồi” liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại truy cập vào các web, app... để cung cấp thông tin theo yêu cầu và đề nghị nạn nhân chọn số tiền muốn vay.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân đóng phí bảo hiểm cho khoản vay của mình, khi các nạn nhân đã chuyển tiền đóng phí thì các đối tượng sẽ thông báo rằng bị hại đã cung cấp sai thông tin về tài khoản ngân hàng, họ tên hoặc số CMND nên hệ thống báo lỗi, không thể giải ngân.
Ngay sau đó, các đối tượng đề nghị bị hại nộp thêm phí bảo đảm và cam kết giải ngân đầy đủ cả số tiền muốn vay và phí bảo đảm đã nộp sau khi đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi bị hại chuyển tiền xong, các đối tượng liền chiếm đoạt và chặn tất cả các liên hệ.
Tương tự với thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội để đăng bài tuyển CTV làm việc online, khi có nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân qua tài khoản Zalo ảo về cách thức làm việc.
Cứ thế, sau mỗi lần bị hại chuyển khoản thành công, các đối tượng lại đưa ra lý do để buộc các nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nếu không thì số tiền trước đó sẽ không thể hoàn lại.
Theo Quang Thành (VietNamNet)