Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế: ma túy “vào không vướng, ra trót lọt”? Có hay không một bộ phận cơ quan hữu quan hiện nay chưa làm hết trách nhiệm, tiếp tay để tội phạm ma túy lộng hành?
Còn buông lỏng
Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cả nước đã phá 6.562 vụ án mua bán - vận chuyển - tàng trữ trái phép chất ma túy, bắt giữ hàng chục đối tượng, thu giữ hơn 6 tấn ma túy.
So với cả năm 2018, số vụ, đối tượng bị bắt và tang vật ma túy thu giữ đều cao hơn. TPHCM là địa phương đứng đầu, chiếm khoảng 30% - 40% các chỉ số trên (tùy thời điểm); tại nhiều quận huyện, số vụ án ma túy bắt giữ năm sau luôn cao hơn năm trước, mức tăng rất lớn (30% - 40%).
Đơn cử như quận Tân Bình, năm 2017, công an quận này bắt giữ 34 vụ, năm 2018 tăng lên 50 vụ và 4 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện 22 vụ.
Đáng chú ý, càng về sau, tang vật trong mỗi vụ án ma túy bị bắt giữ tại TPHCM càng nhiều; các băng nhóm, đường dây mua bán “cái chết trắng” ngày càng hoạt động tinh vi, biến tướng và manh động, hầu hết đều trang bị súng, vũ khí nóng.
Điển hình là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy do 2 đối tượng người Đài Loan Yeh Ching Wei (33 tuổi) và Chiang Wei (31 tuổi) cầm đầu với hơn 1,1 tấn ma túy.
Vì sao ma túy “khủng” liên tục tràn vào Việt Nam? Đâu là nguyên nhân khiến TPHCM trở thành nơi trung chuyển “hàng trắng” của tội phạm ma túy? Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, có nhiều nguyên nhân.
Về khách quan, sau khi Bộ Công an có chủ trương đánh mạnh vào các đường dây mua bán ma túy quy mô lớn, triệt tiêu những “đầu nậu” ma túy tên tuổi ở tỉnh Sơn La và một số tỉnh phía Bắc, các đường dây, băng nhóm mua bán ma túy có hướng chuyển dịch vào phía Nam, nhất là TPHCM - nơi có hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để tội phạm ma túy ẩn náu, hoạt động.
Về chủ quan, người đứng đầu Bộ Công an khẳng định công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng của chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở còn hạn chế.
“Điển hình như vụ án vừa bị Bộ Công an triệt phá có một mắc xích ở quận Bình Tân, TPHCM. Người nước ngoài đến đây đầu tư, thuê kho xưởng, lập trụ sở nhưng không thấy họ sản xuất cái gì. Đã vậy, người lạ thường xuyên ra vào.
Công ty sản xuất hàng xuất khẩu nhưng chỉ có vài ba công nhân làm việc, 2 - 3 năm mới xuất đi vài container. Đáng ngờ vậy nhưng cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương lại không biết, không đặt dấu hỏi.
Đến khi lực lượng của Bộ Công an vào bắt các đối tượng núp bóng doanh nghiệp mua bán ma túy thì mới hỡi ơi! Chứng tỏ lực lượng cơ sở không sâu sát, thiếu chặt chẽ trong quản lý, theo dõi địa bàn”, Đại tướng Tô Lâm dẫn chứng.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM, thẳng thắn chỉ rõ trong số nhiều nguyên nhân khiến ma túy thẩm lậu nhiều vào Việt Nam có lỗi của cơ quan thi hành pháp luật, việc kiểm soát cửa khẩu còn sơ hở, sơ hở hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á.
“Chúng ta hội nhập kinh tế rất tốt, nhưng hội nhập về tương trợ tư pháp chưa tốt.
Công tác điều tra truy xét, xác minh các đối tượng người nước ngoài mua bán ma túy tại Việt Nam còn hạn chế; nhiều mắt xích quan trọng, đối tượng cầm đầu ở nước ngoài không được xử lý triệt để, tội phạm ma túy vì thế hoạt động phức tạp hơn”, ông Minh nói.
"Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, chọn TPHCM làm nơi trung chuyển quốc tế; hiện nay ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM và Bộ Công an để theo dõi, đấu tranh, trấn áp tội phạm ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Công an quận Tân Bình cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp song song. Trong đó, tập trung quản lý địa bàn được xem là giải pháp trọng tâm."
Thượng tá Nguyễn Viết Dũng, Phó trưởng Công an quận Tân Bình, TPHCM
Thiếu công cụ hỗ trợ
Trung tá Trần Văn Biển, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy - Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam (Bộ đội Biên phòng Việt Nam), cho biết sau khi Thái Lan thắt chặt hơn công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy (tăng mức phạt tù, trang bị thiết bị công nghệ hiện đại cho lực lượng thực thi nhiệm vụ…), các đường dây, băng nhóm mua bán ma túy ở khu tam giác vàng (Myanmar - Lào - Thái Lan) nhắm đến Việt Nam làm nơi trung chuyển.
Do đó, thời gian tới, tội phạm ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam, nhất là TPHCM.
Theo Trung tá Trần Văn Biển, 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định tính hiệu quả trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy là con người và trang thiết bị; tuy nhiên cả 2 yếu tố này còn nhiều hạn chế.
Về con người, đối với một số địa bàn trọng điểm, lực lượng chức năng còn mỏng.
Về trang thiết bị, máy soi chiếu là công cụ, thiết bị hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện ma túy tại các cảng, cửa khẩu, nhưng cả nước hiện nay chỉ có 3 cửa khẩu cảng được trang bị gồm: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Nội Bài và Cảng Cát Lái.
“Đây rõ là một hạn chế lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy bởi các băng nhóm, đối tượng mua bán ma túy ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, sử dụng nhiều công nghệ. Nếu lực lượng chức năng Việt Nam không có giải pháp theo kịp, e rằng khó ngăn chặn hiệu quả”, Trung tá Biển chia sẻ.
Trong khi đó, một trinh sát thuộc Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an (đã nghỉ hưu, xin giấu tên), lưu ý chính sách mở cửa trong hoạt động kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh là điều cần thiết để phát triển đất nước; tuy nhiên Chính phủ, các bộ ngành cần lưu ý ở công tác thông quan hàng hóa hiện nay.
“Việc tạo ra các “luồng xanh (không kiểm tra), luồng đỏ (phải kiểm tra), luồng vàng (có dấu hiệu mới kiểm tra)” trong quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay cần được nghiên cứu kỹ lại.
Bởi lẽ, đây vô tình cũng là kẽ hở để tội phạm ma túy hoạt động, thậm chí có thể phát sinh tiêu cực”, vị nguyên cán bộ nêu ý kiến.
Trên thực tế, tội phạm ma túy đã gây ra không biết bao tội lỗi cho nhân loại.
Kẻ buôn ma túy ngồi tù, người sử dụng ma túy tử vong, giờ đây các đối tượng khi sử dụng ma túy đá còn bị “ngáo đá” dẫn đến nhiều cảnh tượng xót xa: con giết mẹ, cháu đâm chết bà… Sẽ là một xã hội bất an nếu tội phạm ma túy không được ngăn chặn hiệu quả.
"Chó nghiệp vụ hỗ trợ rất tốt cho lực lượng chức năng trong phá án ma túy. Hiện việc đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy chủ yếu do Trường Trung cấp 24 Biên phòng đảm trách.
Tuy nhiên, việc đưa chó nghiệp vụ tham gia các chuyên án ma túy còn gặp nhiều vướng mắc. Một phần do số lượng có hạn; thêm nữa việc chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện rất công phu, tỷ lệ thành công ít.
Việc bàn giao chó phải đi đôi với việc huấn luyện viên phải đi theo, chuyển đơn vị. Trong trường hợp đang phá án, huấn luyện viên bị bệnh, hoặc có việc không tham gia đánh án thì chó nghiệp vụ cũng không phát huy tác dụng."
Trung tá Trần Văn Biển
Theo Tuấn Vũ - Quang Huy (Sài Gòn Giải Phóng)