Ngày 23-4, một nguồn tin xác nhận với chúng tôi, Phòng Kinh tế thuộc Văn phòng UBND TP HCM đã có báo cáo trình Phó Chủ tịch UBND TP HCM về việc TAND TP HCM ban hành quyết định thi hành án hành chính của ông Phạm Duy Hiếu (SN 1982; Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Phương Anh, ngụ quận 3, TP HCM).
Trước đó, ngày 7-3-2018, TAND TP HCM có công văn đề nghị UBND TP HCM tổ chức cuộc họp trao đổi cụ thể về việc TAND TP HCM ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính của ông Phạm Duy Hiếu đối với bản án phúc thẩm.
10 kg vàng là của hồi môn (!?)
Theo đơn khởi kiện của ông Phạm Duy Hiếu, vào năm 2008, ông kết hôn và được mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Điệp cho 10 kg vàng khi ra riêng. Sau đó, lúc vận chuyển số vàng này, gia đình ông bị lực lượng của Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM phát hiện, xử lý hành vi buôn bán hàng lậu.
Ngày 14-5-2014, PC46 đưa cho ông Hiếu quyết định của UBND TP HCM xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Phạt 15 triệu đồng và phạt bổ sung là tịch thu tang vật 10 thỏi vàng có tổng trọng lượng là 10.000,37 g.
Ông Hiếu cho rằng UBND TP HCM ban hành quyết định xử phạt hành chính và tịch thu hơn 10 kg vàng của vợ chồng ông là không có căn cứ, không đủ cơ sở và không chính xác. Ông khẳng định rằng 10 kg vàng này không phải là tài sản của công ty ông mà là tài sản riêng của vợ chồng. Việc UBND TP HCM dựa trên báo cáo của Công an TP HCM và kết quả giám định của Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc DOJI để ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng và tịch thu 10 kg vàng là không khách quan.
Việc Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc DOJI giám định 10 thỏi vàng này không phải do Việt Nam sản xuất là không đủ căn cứ. Theo ông Hiếu, công ty giám định dựa trên cơ sở nào để kết luận như vậy? Rồi từ kết quả giám định, các cơ quan chức năng cho rằng ông Hiếu kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hiếu trình bày rằng vợ ông mang 10 kg vàng này đi kiểm định để đổi sang vàng nữ trang chứ không phải vận chuyển qua biên giới nên không có hành vi mua bán qua biên giới. Bên cạnh đó, số vàng này chưa thực hiện việc mua bán trao đổi thì chưa đủ cơ sở để phạt đối với ông Hiếu về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ngoài đòi lại 10 kg vàng, ông Hiếu còn yêu cầu trả lại 13.800 USD mà PC46 thu giữ sau đó.
Xử sơ thẩm vào tháng 1-2016, TAND TP HCM đã bác toàn bộ đơn kiện của ông Hiếu và cho rằng quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP HCM là đúng với các quy định của pháp luật. Sau đó, Công an TP HCM đã trả lại cho ông Hiếu 13.800 USD đã tạm thu khi khám xét nhà ông.
Buộc UBND TP HCM trả lại 10 kg vàng
Ngày 7-11-2016, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm theo kháng cáo của ông Phạm Duy Hiếu. Kiểm sát viên đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng cho rằng tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Hiếu là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Theo VKS, ông Phạm Duy Hiếu kháng cáo nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ mới nên đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông Hiếu, ban hành bản án phúc thẩm, hủy Quyết định 2240/QĐ-XPHC Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng đã ban hành trước đó. TAND Cấp cao tại TP HCM đã sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Đồng thời tuyên buộc Chủ tịch UBND TP HCM và Công an TP HCM thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Ngày 7-6-2017, UBND TP HCM gửi công văn đến Cục Thi hành án dân sự TP HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM giải thích cụ thể một số vấn đề trong bản án phúc thẩm. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự TP HCM có công văn gửi Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp.
UBND TP HCM đã có công văn gửi Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Ngày 20-12-2017, VKSND Tối cao có thông báo gửi UBND TP HCM yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm, tài liệu chứng cứ theo đơn. Tuy nhiên, đến ngày ông Hiếu yêu cầu thi hành bản án phúc thẩm thì vẫn chưa có quyết định giám đốc thẩm.
Có thể khiếu nại thi hành án gấp
Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: Theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay theo quy định tại khoản 7 điều 242 Bộ Luật Tố tụng Hành chính 2015. Vì vậy, bản án phải được thi hành ngay khi có yêu cầu thi hành án của ông Hiếu. Tuy nhiên, do bản án tuyên không rõ với nội dung "Buộc Chủ tịch UBND TP HCM và Công an TP HCM thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật" dẫn đến người bị thi hành án là UBND TP HCM và cả Cơ quan Thi hành án là Cục Thi hành án TP HCM gặp lúng túng trong việc tổ chức thi hành án và cho đến nay mặc dù đã có công văn gửi TAND Cấp cao tại TP HCM nhưng vẫn chưa có văn bản phản hồi là thiếu sót gây bất lợi cho ông Hiếu.
Trong vụ việc này, việc chậm thi hành án là do vướng mắc từ bản án phúc thẩm, do đó, tòa án cấp phúc thẩm cần phải sớm có phản hồi để Cục Thi hành án có phương án thực hiện. Trong trường hợp TAND Cấp cao tại TP HCM vẫn không có giải thích bản án phần nào thi hành được thì cục thi hành án phải thi hành, tức là hủy quyết định xử phạt, trả lại số tiền phạt và 10 kg vàng cho ông Hiếu.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao và cũng không có quyết định tạm đình chỉ thi hành án nhưng bản án vẫn chưa được thi hành là thiếu sót của các cơ quan tố tụng. Ông Hiếu có thể khiếu nại yêu cầu thi hành án gấp, tính lãi và bồi thường thiệt hại nếu có.
Về việc TAND TP HCM có văn bản đề nghị UBND TP tổ chức cuộc họp để trao đổi cụ thể về việc TAND TP HCM ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính của ông Hiếu cũng không đúng thẩm quyền lẫn nội dung. Bởi việc thi hành thuộc về cơ quan thi hành án vì đây là bản án hành chính không phải bản án hình sự.
Theo Hạnh Nguyên (Nld.om.vn)