Ly kỳ vụ án nạn nhân chết vẫn nghe điện thoại

17/12/2020 15:26:49

VKSND Tối cao kháng nghị vụ án giết người và cướp tài sản có nhiều vi phạm tố tụng xảy ra cách đây chín năm tại Thái Nguyên.

VKSND Tối cao mới đây ra kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án giết người và cướp tài sản, xảy ra cách đây hơn chín năm tại tỉnh Thái Nguyên.

Hai bị án là Tạc Văn Ngọ và Tạc Văn Hoan lần lượt bị tuyên chung thân và 19 năm tù về hai tội danh trên. Dù đã đi thụ án nhiều năm, ông Ngọ vẫn nhiều lần có đơn kêu oan.

Ly kỳ vụ án nạn nhân chết vẫn nghe điện thoại
Hai bị cáo Tạc Văn Ngọ (trong) và Tạc Văn Hoan. Ảnh: Pháp luật Việt Nam 

Hai cấp tòa tuyên chung thân

Nội dung vụ án cho thấy Ngọ và hàng xóm là chị Hà Thị Tâm nhiều lần mâu thuẫn, cãi nhau.

Tối 30-4-2011, Ngọ rủ Hoan sang nhà chị Tâm nói chuyện và dặn “tý nữa vào nhà cái Tâm, tao bảo mày làm cái gì thì mày phải làm cái ấy”.

Sau đó, Ngọ vào phòng khách nói chuyện với chị Tâm, còn Hoan đứng ngoài cảnh giới. Tại đây, cả hai tiếp tục mâu thuẫn, Ngọ rút dao từ túi quần đâm trúng phần ngực trái khiến chị Tâm ngã ra đệm.

Nghe tiếng động, Hoan chạy vào. Ngọ nói đã sát hại chị Tâm. Hai người lên kế hoạch giấu xác nạn nhân tại khu nhà vệ sinh bỏ hoang.

Quá trình này, Hoan nhặt chiếc điện thoại của chị Tâm cho vào túi quần, còn Ngọ lục két sắt của nạn nhân lấy đi 4,5 triệu đồng.

Tháng 7-2012, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Ngọ chung thân, Hoan 19 năm tù. Ngọ kháng cáo kêu oan.

Tháng 11-2012, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, quyết định y án sơ thẩm đối với cả hai bị cáo.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy có nhiều vi phạm tố tụng nên kháng nghị đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao hủy cả hai bản án để điều tra lại.

Nạn nhân chết rồi vẫn nghe điện thoại?

Một trong những mâu thuẫn lớn nhất mà kháng nghị của VKS đề cập, đó là cơ quan tố tụng xác định thời điểm chết của nạn nhân và thời điểm thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo chưa chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định thời điểm có mặt của các bị cáo tại hiện trường.

Ly kỳ vụ án nạn nhân chết vẫn nghe điện thoại - 1
Bà Trần Thị Tuyết (bìa phải), vợ ông Ngọ cùng luật sư của gia đình. Ảnh: BTP 

Cụ thể, theo diễn biến sự việc, khoảng thời gian Ngọ ở cùng và thực hiện hành vi giết chị Tâm là khoảng 22 giờ. Tuy nhiên, theo danh sách cuộc gọi đi, đến từ số điện thoại của chị Tâm thì từ 21 giờ 47 đến 22 giờ 51, nạn nhân thực hiện sáu cuộc gọi, thời lượng các cuộc gọi kéo dài từ hơn 6 phút đến 13 phút.

Ngoài ra, một nhân chứng khai rằng lúc 21 giờ chị Tâm có ăn hết một bát phở và hai quả trứng vịt lộn. Kết luận khám nghiệm tử thi ngày 5-5-2011 có ghi “Dạ dày không có thức ăn”.

Theo Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thời gian chị Tâm bị sát hại ước tính vào khoảng 1-3 giờ sáng ngày 1-5-2011 hoặc muộn hơn, trường hợp chị Tâm ăn bữa cuối vào khoảng 21 giờ và bị sát hại vào khoảng 22 giờ thì lượng thức ăn chưa thể tiêu hóa hết.

“Như vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Tạc Văn Ngọ đến nhà Hà Thị Tâm và thực hiện hành vi giết bị hại vào khoảng thời gian 22 giờ là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án” – kháng nghị nêu.

Cũng theo kháng nghị, vụ án có nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được CQĐT làm rõ triệt để, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong tổng hợp chứng cứ.

Điển hình là lời khai khác nhau của Hoan về việc có nhìn thấy Ngọ đâm nạn nhân hay không, lời khai của Ngọ về việc đâm nạn nhân như thế nào; khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT không phát hiện con dao là hung khí gây án mà phải đến bốn ngày sau con trai nạn nhân mới phát hiện và giao nộp.

Cùng với đó, CQĐT không tiến hành đối chất giữa các bị cáo, không lấy lời khai của một số nhân chứng quan trọng, không giám định thời điểm chết của nạn nhân, không tiến hành thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường sơ sài…

Có dấu hiệu bức cung, nhục hình

Đáng chú ý, kháng nghị cho rằng có dấu hiệu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên bức cung, nhục hình đối với Ngọ và Hoan, dẫn đến các lời khai của hai bị cáo không có giá trị pháp lý, không khách quan và không đủ độ tin cậy để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội.

Bởi lẽ, trong quá trình điều tra vụ án, Ngọ và Hoan khai bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên bức cung, nhục hình, đánh đập thậm tệ và ép nhận tội.

Điều này phù hợp với tài liệu trong hồ sơ thi hành án phạt tù. Trong đó, biên bản kiểm tra dấu vết thân thể lúc 17 giờ 40 ngày 16-8-2011 của Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên xác định trên người Ngọ có vết tím vùng hai bên bả vai, khuỷu tay, bên ngực, mông, đầu gối, mu bàn chân, vành tai; vùng hai bên cổ tay, cổ chân có nhiều vết rách da.

Đồng thời, phiếu khám sức khỏe và biên bản kiểm tra dấu vết thân thể Hoan lúc 18 giờ 20 ngày 16-8-2011 của Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên ghi có nhiều vết lằn đỏ vùng lưng, vết lằn vùng cánh tay trái.

Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật