Mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố thêm 12 bị can.
Trong số này, ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế), ông Nguyễn Nam Liên (vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng (phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cùng bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
C03 xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ KH&CN; trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức của Bộ Y tế đối với sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19; cũng như việc hiệp thương giá sản phẩm với Công ty Việt Á.
Người bị khởi tố từng ký công văn giới thiệu kit test cho các tỉnh
Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế cấp phép sử dụng tạm thời cho hai bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit), thuộc đề tài nghiên cứu khoa học do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp.
Đến ngày 4/12/2020, Bộ Y tế quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty Việt Á.
Trong thông cáo gửi tới báo chí sau khi vụ án bị khởi tố, Bộ Y tế khẳng định việc cấp phép “đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành”, nhằm kịp thời tăng cường nội địa hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét nghiệm.
Đáng chú ý, ngày 13/7/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 5583 do ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký, để giới thiệu sản phẩm kit xét nghiệm của công ty Việt Á (cùng một số sản phẩm khác) cho các địa phương.
Ông Tuấn chính là một trong ba bị can bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ như đã nêu ở trên.
Trước đó, ông Tuấn bị UBKT Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trong công văn số 5583, Bộ Y tế giới thiệu bộ kit LightPower của Công ty Việt Á với giá bán 470.000 đồng/test, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 test. Mức giá này theo Bộ Y tế giải thích là do “đơn vị sản xuất tự công bố”, bằng với mức giá mà Bộ Công an xác định Công ty Việt Á đã dùng nhiều thủ đoạn để nâng khống.
Từ sự giới thiệu của Bộ Y tế, hàng loạt địa phương mua kit test của Công ty Việt Á với mức giá cao. Đến nay có ba giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Nghệ An, Bình Dương và Hải Dương bị khởi tố.
Nghiên cứu bằng tiền ngân sách, doanh nghiệp thu lời ngàn tỉ
Bộ KH&CN cho biết đề tài “nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)" do Học viện Quân y chủ trì, có sự tham gia của bốn thành viên đến từ Công ty Việt Á, trong đó có Phan Quốc Việt (tổng giám đốc, đã bị khởi tố và bắt giam).
Đề tài trên là nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, thực hiện từ tháng 2/2020, với tổng kinh phí chi từ ngân sách gần 19 tỉ đồng.
Theo Bộ Y tế, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN, tháng 3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho hai bộ sinh phẩm LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit và LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit. Xuất phát từ đề nghị này, cùng với một số căn cứ khác, Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho sản phẩm.
Đáng chú ý, website của Bộ KH&CN từng đăng tải thông tin về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận bộ kit test do Công ty Việt Á sản xuất. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, thông tin này đã bị gỡ bỏ.
Tại cuộc họp báo Bộ Công an hôm 28/12/2021, báo chí đặt câu hỏi tại sao đề tài nghiên cứu kit test được sử dụng kinh phí từ ngân sách quốc gia nhưng đến khi có kết quả thì lại chuyển giao cho Công ty Việt Á để doanh nghiệp thu lời hàng ngàn tỉ đồng? Bộ KH&CN có trách nhiệm gì trong chuyện này hay không?
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, tuy nhiên đại diện Cục C03 Bộ Công an khẳng định cơ quan công an sẽ điều tra “triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án”, không có vùng cấm hay ngoại lệ.
Bán kit cho 62 tỉnh, doanh thu lên tới 4.000 tỉ
Tính đến nay, C03 khởi tố tổng cộng 19 bị can về các tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Ngoài lãnh đạo và nhân viên Công ty Việt Á, nhiều bị can bị khởi tố là giám đốc CDC các tỉnh, lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ KH&CN.
Theo điều tra ban đầu, Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo các bệnh viện, CDC các tỉnh hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá... để quyết toán với mức giá 470.000 đồng/kit test, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đặc biệt, để tăng doanh và được tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ quyết toán, Việt còn chi “hoa hồng” cho lãnh đạo các cơ sở y tế với số tiền rất lớn.
Tính đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.
Riêng tại Hải Dương, C03 làm rõ sai phạm trong việc Việt Á bán kit xét nghiệm cho CDC tỉnh này thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương bị cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng của Việt Á để “bắt tay” với doanh nghiệp nâng khống giá kit.
Theo Tuyến Phan (Plo.vn)