Ngày 17/8, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Tòa án Quân sự khu vực 2 Quân khu 5 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Hoàng Văn Minh (37 tuổi, cựu thiếu tá, trợ lý tài chính thuộc Ban Tham mưu, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng quân tại tỉnh Ninh Thuận) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trong vụ án, Phạm Văn Võ (chồng của dì bị cáo Minh, ngụ tỉnh Bình Dương), Huỳnh Thị Kim Hằng (vợ bị cáo Minh) cùng bị đưa ra xét xử về tội khai báo gian dối.
Gây tai nạn rồi nhờ người nhận tội thay
Tại phiên tòa, bị cáo Minh khai sáng 28-6-2022, khi lái ô tô rẽ vào ngân hàng, “bị cáo có bật đèn xi nhan, có quan sát gương chiếu hậu. Tuy nhiên, khi nghe tiếng xẹt, bị cáo mới biết đã va chạm với xe máy”.
Cựu quân nhân này còn khai lúc này đang sử dụng điện thoại qua Bluetooth trên ô tô. Sau khi xảy ra va chạm, bị cáo đã ngắt Bluetooth và sử dụng đàm thoại tay để xem tình hình sức khỏe nạn nhân.
Bị cáo Minh thừa nhận đã nhờ chồng của dì mình (bị cáo Võ) đứng ra nhận là người điều khiển ô tô. Bị cáo Võ đã nhận lời.
“Bị cáo đến hỏi chú Võ có giấy phép lái xe không, chú trả lời có. Tôi nhờ chú nhận giúp là người điều khiển xe nhưng chú không nói gì. Mãi đến khi đến bệnh viện, chú Võ mới nói nhận tội thay tôi” - bị cáo Minh khai.
Bị cáo Võ cũng khai rằng sau khi được Minh nhờ đã nhận lời giúp và gọi điện thoại về thông báo cho vợ mình biết. Vợ bị cáo Minh cũng biết sự việc Võ sẽ đứng ra nhận là người điều khiển phương tiện thay cho chồng mình.
“Bị cáo đã khai với cơ quan điều tra là người đã điều khiển ô tô và có cam kết khai báo sự thật trong bản tự khai” - bị cáo Võ khai nhận.
Bị cáo Hằng cũng thừa nhận đã khai báo gian dối với cơ quan điều tra do sợ ảnh hưởng đến công việc của chồng.
Đến sáng 29/6/2022, bị cáo Minh cùng vợ và bị cáo Võ đến Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm khai nhận Minh là người điều khiển phương tiện gây ra vụ tai nạn.
Cần làm rõ tính chất tội phạm của việc khai báo gian dối
HĐXX đặt câu hỏi: “Khi làm việc với cơ quan điều tra, các bị cáo có được nghe phổ biến về quyền và nghĩa vụ khi khai báo hay không?”. Cả hai bị cáo Võ và Hằng đều khai “không được nghe”.
Đại diện VKS Quân sự khu vực 2 cho rằng cần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hành vi, mức độ phạm tội của hành vi khai báo gian dối, nhất là việc hai bị cáo khai không được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi khai báo.
Cùng quan điểm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, luật sư lý giải vụ tai nạn là vô ý, tuy nhiên sau đó các bị cáo đã có bàn bạc, tính toán. Do đó, phía bị hại đề nghị HĐXX xử lý nghiêm minh hành vi của từng bị cáo trong vụ án; đồng thời xem xét việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng cho biết lý lịch nhân thân của bị cáo Võ do bị cáo này trình bày tại tòa không đúng với trong hồ sơ vụ án. Bị cáo Võ khai do mẹ bị cáo đã mất từ hơn 10 năm trước ở quê nên giấy tờ không chính xác.
Sau khi nghị án, HĐXX căn cứ vào kết quả xét hỏi đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tính chất tội phạm do hành vi của bị cáo Phạm Văn Võ và Huỳnh Thị Kim Hằng gây ra, đồng thời điều tra làm rõ nhân thân của bị cáo Võ.
Cái chết thương tâm của nữ sinh lớp 12
Cáo trạng công bố tại phiên tòa xác định: Khoảng 8 giờ ngày 28-6-2022, bị cáo Minh điều khiển ô tô biển số 85A-074.07 chở vợ, ông Võ và một số người thân đi trên đường 16-4 theo hướng từ biển Bình Sơn đi Quảng trường 16-4, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Khi đến gần cổng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Ninh Thuận, bị cáo Minh điều khiển xe chuyển hướng sang phải để vào ngân hàng. Quá trình chuyển hướng đã va chạm với xe máy biển số 85R9-1279 do cháu Hồ Hoàng Anh (học sinh lớp 12, ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm) điều khiển đi cùng chiều.
Vụ tai nạn làm cháu Hoàng Anh ngã xuống đường, va vào trụ đèn chiếu sáng trước cổng ngân hàng và tử vong sau đó.
Theo Huỳnh Hải (Pháp Luật TPHCM)