Luật sư "đòi công bằng" cho thân chủ trong đại án Oceanbank

19/09/2017 11:26:00

Luật sư Bình cho rằng cơ quan công tố đánh giá chứng cứ chưa toàn diện dẫn đến việc đề nghị mức án quá nặng cho thân chủ của bà so với các bị cáo khác trong hội sở và chi nhánh.

Luật sư Bình cho rằng cơ quan công tố đánh giá chứng cứ chưa toàn diện dẫn đến việc đề nghị mức án quá nặng cho thân chủ của bà so với các bị cáo khác trong hội sở và chi nhánh.

Sáng nay 19/9, ngày thứ 15 xét xử vụ đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng. Luật sư Trịnh Cẩm Bình là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thùy Dương (nguyên giám đốc Khối kế toán và Giao dịch trong nước).

Nữ bị cáo này làm trưởng ban kế toán và giao dịch trong nước từ tháng 8/2012 đến 3/2016. 5 ngày trước, Dương bị VKS đề nghị mức án 9-10 năm tù.

So bì đề nghị mức án ở chốn công đường

Cáo trạng thể hiện, bị cáo có hành vi đồng phạm với Hà Văn Thắm và các bị can là lãnh đọa hội sở ngân hàng Oceanbank trong việc chi lãi ngoài. Hành vi của Dương đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Dương phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản 479 tỷ, trong đó 307 tỷ đồng chuyển cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi lãi ngoài và hơn 172 tỷ đồng chi thẳng từ tài khoản.

Đánh giá về cáo buộc trên, luật sư Cẩm Bình cho rằng chưa khách quan, chưa đánh giá chứng cứ chưa toàn diện dẫn đến việc đề nghị mức án quá nặng so với các bị cáo khác trong hội sở và chi nhánh.

​Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng luật sư khối hội sở cũng là người làm công ăn lương, cũng chịu sự chỉ đạo như giám đốc chi nhánh nhưng lại không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Với quy buộc Thùy Dương “chưa thành khẩn”, vị luật sư nói “không hiểu VKS căn cứ vào tiêu chí nào” bởi thân chủ của bà luôn khai đúng khi làm việc với cơ quan điều tra, khai mọi suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, bị cáo Dương cũng hỗ trợ tích cực cho cơ quan điều tra tập hợp số liệu. Dương làm việc đến  tận 21h để phục vụ cơ quan điều tra làm rõ vụ án.

"Tôi đề nghị VKS tranh luận với tôi về vấn đề này", nữ luật sư Bình nói.

Về cáo buộc “thực hành tích cực chỉ đạo của Hà Văn Thắm về chi lãi ngoài”, bà Cẩm Bình cho rằng VKS đã không phân tách vai trò, vị trí từng cá nhân trong khối hội sở, giữa khối hội sở với ban điều hành của Oceanbank, giữa các chi nhánh nên đề nghị mức án thiếu căn cứ. VKS ghi nhận giám đốc chi nhánh chỉ là người làm thuê, hưởng lương, nhưng không hiểu sao lại không không ghi nhận việc này với các bị cáo khối hội sở.

Theo vị luật sư, các chi nhánh hoạt động trực tiếp dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Oceanbank. Trong khi đó, chủ trương chi lãi ngoài trên toàn quốc được bị cáo Thắm chỉ đạo, thống nhất với với giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch, chứ không phải với các khối hội sở. Thùy Dương ở vị trí tương đương, ngang bằng khối giám đốc chi nhánh, nhưng tại sao khối hội sở lại bị đề nghị mức án nặng hơn.

"Tôi nêu ra đây không phải mong muốn giám đốc các chi nhánh chịu các mức án nặng hơn. Tôi nêu ra để thấy giám đốc chi nhánh đang được hưởng mức đề nghị nhẹ nhưng số bị cáo là giám đốc các khối lại nặng. Bị cáo của tôi chỉ có vị trí tương đương giám đốc các chi nhánh nhưng tại sao lại không được VKS đánh giá là “giúp sức không đáng kể” cho Hà Văn Thắm như các bị cáo giám đốc chi nhánh", bà Cẩm Bình nêu luận cứ và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình, không cần thiết cách ly bị cáo khỏi xã hội.

Luat su 'doi cong bang' cho than chu trong dai an Oceanbank hinh anh 1

Bị cáo Trần Văn Bình. Ảnh: Việt Hùng.

"Bình không cố ý đưa ra tài sản ảo"

Sau bà Trịnh Cẩm Bình, luật sư Trần Văn Hùng bào chữa cho bị cáo Trần Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Trung Dung (Công ty Trung Dung). Bị cáo này bị VKS đề nghị mức án từ 5-6 năm tù với tội Vi phạm các quy định cho vay trong các hoạt động tín dụng.

Theo cáo trạng, Bình bị cáo buộc đồng phạm giúp sức với Hà Văn Thắm, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 300 tỷ đồng.

Luật sư Hùng cho rằng bản luận tội của VKS chỉ đưa ra nhận định chung chung, chưa đưa ra những chứng cứ buộc tội thuyết phục bị cáo Bình nên chưa phù hợp với thực tế khách quan của vụ án. Vị luật sư nói thân của của ông chỉ học xong lớp 6, không có trình độ chuyên môn, làm lái xe cho Công ty Trung Dung từ năm 2010. Tháng 12/2010, sau khi Công ty Trung Dung (công ty con của Phạm Công Danh) được thành lập, Bình được nhân viên văn phòng Tập đoàn Thiên Thanh gọi lên nhờ đứng tên làm giám đốc để hỗ trợ tập đoàn.

Nghĩ việc làm của mình giúp đỡ khiến tập đoàn phát triển nên Bình đồng ý cho mượn CMND để đứng tên thành lập Công ty Trung Dung và lập tài khoản.

Trước khi bước vào phần tranh tụng, HĐXX tuyên án, bạn có biết các thủ tục ở tòa diễn ra thế nào?

Vị luật sư nói Bình làm lái xe nên học vấn, hiểu biết pháp luật hạn chế, bản thân không biết trụ sở Công ty Trung Dung đặt ở đâu và gồm những ai. Thực tế, khi cần ký các giấy tờ của Trung Dung, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh sẽ gọi điện cho Bình để lên ký. “Bình nghĩ ký các giấy tờ này là giúp cho tập đoàn. Anh ta hồn nhiên, vô tư ký mà không biết có vi phạm pháp luật hay không. Bị cáo không biết tài liệu, văn bản đó có đúng với các quy định của pháp luật hay không", luật sư Hùng bào chữa.

"Về cáo buộc Bình sử dụng tài sản không có thật, không đủ căn cứ pháp lý để làm tài sản cầm cố vay vốn của Oceabank là không đúng thực tế", vị luật sư nêu quan điểm. Ông Hùng dẫn chứng trong tất cả các câu trả lời của Phạm Công Danh trước đây hay tại tòa về Bình đều cho thấy Danh không nhờ vả Bình thực hiện các hành vi trái pháp luật. Không trao đổi về hoạt động vay vốn của Oceanbank với Trần Văn Bình hay yêu cầu Bình thực hiện.

Theo luật sư, Danh từng khai Công ty Trung Dung hoạt động là do ông ta chỉ đạo. Đến trước khi bị bắt, Danh khẳng định đang tìm người thay thế Bình.

Vị luật sư cũng dẫn phần trả lời của Hà Văn Thắm tại tòa rằng cựu Chủ tịch Oceanbank không biết Bình là ai, chưa bao giờ gặp gỡ, chỉ biết bị cáo này khi Thắm bị bắt tạm giam và nghe cơ quan công an thông báo anh ta là lái xe của Phạm Công Danh. Người bào chữa cho Bình cho rằng Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng là theo ý chí chủ quan của nhà băng chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Công ty Trung Dung. Khoản vay này đã được nhân viên Oceanbank xem xét, đánh giá về tài sản đảm bảo thể hiện quan điểm rõ ràng của cán bộ tín dụng.

Từ lý lẽ đó, vị luật sư bào chữa nói: “Bình không cố ý đưa ra tài sản ảo, không đủ tính pháp lý để vay tiền như VKS cáo buộc”. Ông Hùng cho rằng hành vi của Bình trong vụ án mờ nhạt, tuy nhiên không thể phủ nhận lỗi.

Luật sư bào chữa nói nếu Bình có lỗi thì đó là lỗi “không biết mình có lỗi”. Kết thúc phần bào chữa của mình, vị luật sư đề nghị HĐXX tuyên cựu giám đốc Công ty Trung Dung vô tội.

Trải qua 4 ngày tranh luận, đến nay, gần 30 bị cáo đã được các luật sư bào chữa. Hầu hết luật sư đều cho rằng thân chủ của mình không phạm tội danh như cáo trạng truy tố, đề nghị HĐXX xem xét tuyên vô tội, có người được đề nghị trả tự do tại tòa.

Trước đó, ngày 14/9, đại diện cơ quan công tố tại tòa đã trình bày bản luận tội Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc Oceanbank) cùng 49 bị cáo liên quan. Mức án đề nghị cao nhất với Sơn là tử hình, Thắm là chung thân. Người có liên quan đến vụ án được đề nghị với mức án nhẹ nhất là 18 tháng tù treo.

Sáng 19/9, xe chở các bị cáo chính trong đại án Oceanbank đến muộn 20 phút so với thường lệ. Qua 15 ngày hầu tòa, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu đều tỏ vẻ mệt mỏi.

Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật