Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng do nhân thân tốt, bác sĩ Hoàng Công Lương có thể xin được tại ngoại.
Bác sĩ Lương bị cơ quan điều tra cho rằng đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ vẫn chạy thận cho các bệnh nhân.
Cuối tháng 6, Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam có kiến nghị gửi Bộ Công an cho rằng kết luận của cơ quan điều tra khiến những người trong ngành y “hết sức bất ngờ, lo lắng, hoang mang" và hơn hết là "không thuyết phục". Hội cho rằng sai sót của bác sĩ Lương chỉ ở mức hành chính, không quyết định hậu quả ca tai biến.
Khoảng một tuần sau, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đánh giá hàm lượng chất cực độc có tên flo tồn dư gấp hàng trăm lần trong nước chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình theo như kết luận điều tra thì có thể giết chết ngay bệnh nhân chạy thận.
Các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai đánh giá trong ca tai biến xảy ra ở Hoà Bình, đơn vị lọc rửa đã tự ý đưa vào hóa chất không được phép sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất; sau đó là cán bộ phòng vật tư chưa kiểm soát kỹ đã nghiệm thu. Bác sĩ chỉ phụ trách chuyên môn, không thể kiểm soát tất cả thông số trong quá trình bảo trì.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Hà Nội cho hay theo thông tin được công bố, nguyên nhân gây ra cái chết của 8 bệnh nhân do nguồn nước. Trong khi bác sĩ Hoàng Công Lương không có nhiệm vụ kiểm tra nguồn nước này, hay nói cách khác, giữa hậu quả xảy ra (cái chết của 8 bệnh nhân) với hành vi của nam bác sĩ này không có mối quan hệ nhân quả. Chiếu theo đó, việc khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương là chưa có đủ căn cứ vững chắc.
Theo luật sư, Hội Hồi sức tuy không phải là đơn vị liên quan trực tiếp liên quan vụ án vẫn có quyền đưa ra ý kiến về mặt chuyên môn để giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, những ý kiến này có được chấp nhận này hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, việc một số bệnh nhân trong ca tai biến có đơn kiến nghị xin giảm tội cho bác sĩ Lương có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tuy nhiên, việc kết luận bác sĩ Lương có tội hay không cần dựa trên các chứng cứ chứng minh rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bác sĩ và hậu quả xảy ra.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố. Ảnh: Công an nhân dân. |
Về việc Hội Hồi sức, bệnh nhân, Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cùng có kiến nghị cho bác sĩ Lương được tại ngoại vì có nhân thân tốt, luật sư Bình gợi ý bác sĩ Hoàng Công Lương hoặc những cá nhân, tổ chức có liên quan khác có quyền làm đơn xin hủy hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn gửi VKSND tỉnh Hòa Bình để được xem xét, giải quyết.
Bộ Luật hình sự không có quy định nào về việc khi hành vi phạm tội của một người không phải mức nghiêm trọng mà khởi tố cũng được, không khởi tố cũng được thì chốt lại sẽ không khởi tố. Khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự hiện hành chỉ có quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Trước đó, sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị và hiện sức khỏe đã hồi phục. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Theo Bảo Hà (VnExpress.net)