Ngày 8/2 đến 12/2, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bà Trương Thị Yến (nguyên hiệu phó trường THPT dân lập Phương Nam, 60 tuổi) cùng Trương Thị Kim Dung (em gái bà Yến, 56 tuổi), Mai Huy Thành (con trai bà Yến, 33 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 139 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo cơ quan công tố, năm 1996, bà Yến cùng người thân góp vốn thành lập trường tiểu học dân lập Phương Nam. Hai năm sau, ngôi trường này mở rộng thành trường THPT dân lập Phương Nam.
Trong quá trình điều hành ngôi trường trên, bà Yến cùng con trai và em gái thành lập Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Phương Nam (Công ty Phương Nam) và Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Việt Anh (Công ty Việt Anh). Cả hai công ty không có hoạt động kinh doanh, với vốn tự khai hơn 63 tỷ đồng.
Đầu tháng 7/2010, bà Yến còn cùng con trai thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thành Sơn (Công ty Thành Sơn) với vốn điều lệ tự kê khai là 268 tỷ đồng. Trong đó, bà nắm giữ gần 12 triệu cổ phần (tương ứng 116 tỷ), Thành 14 triệu cổ phần (140 tỷ đồng), bà Dung 1,2 triệu cổ phần (12 tỷ đồng).
Công ty này do Thành làm Tổng giám đốc đại diện theo pháp luật. Cũng như hai công ty trước, sau khi thành lập, bộ ba không đóng góp số vốn điều lệ như đã kê khai. Thực tế, công ty Thành Sơn không hoạt động, chỉ tồn tại với tư cách pháp nhân.
Sau đó đến ngày 24/7/2010, mẹ con Yến ký một hợp đồng liên kết với nội dung sáp nhập toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, tài sản của trường Phương Nam vào Công ty Thành Sơn nhưng không làm thủ tục để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Hành vi lừa đảo của bà Yến bị cơ quan công tố cáo buộc xuất phát từ việc sử dụng danh nghĩa trường Phương Nam để huy động vốn, dẫn đến nợ nần.
Theo cáo buộc, trong năm 2008 đến 2010, bà vay của ông Bùi Thanh Sơn hơn 20 tỷ đồng và không có tiền trả nợ. Bà Yến nói với chủ nợ đang có nhu cầu bán cổ phần của Công ty Thành Sơn. Nghe vậy, ông Sơn đã giới thiệu cho em họ là Bùi Hoàng Linh.
Khi gặp, bà Yến cho ông Linh biết Công ty Thành Sơn và trường Phương Nam, Công ty Việt Anh (quản lý trường mầm non tư thục Bình Minh) là một. Ai muốn sở hữu trường Phương Nam, trường Bình Minh phải mua Công ty Thành Sơn và Công ty Việt Anh. Sau đó, bà Yến cùng con trai, em gái đã cung cấp tài liệu cho gia đình ông Linh để chứng minh năng lực pháp lý của các công ty trên.
Tin tưởng vào các tài liệu này, ông Linh đã mua 51% cổ phần của Công ty Thành Sơn và 51% cổ phần của Công ty Việt Anh. Để ông Linh yên tâm tin tưởng, nữ hiệu phó cùng con trai, em gái còn ký một bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ đông, khẳng định trường Phương Nam là tài sản thuộc Công ty Thành Sơn đem bán, trường Bình Minh nằm trong số tài sản của Công ty Việt Anh đem bán… Tổng giá trị của hai hợp đồng chuyển nhượng là hơn 229 tỷ đồng.
Ông Linh đã chuyển hơn 105 tỷ đồng cho bà Yến. Số còn lại hai bên thỏa thuận ông Linh sẽ thay bà Yến trả khoản nợ 128 tỷ đồng cho ông Sơn. Nhận được hơn 105 tỷ đồng, bà Yến đã trả nợ hết.
Mặc dù đã thanh toán đầy đủ tiền, song ông Linh không được bà Yến chuyển nhượng lại hai ngôi trường trên. Để ông Linh "yên tâm" đợi, bị cáo bố trí cho vào trường Phương Nam làm việc, song không có công việc cụ thể, và trả lương hàng tháng 7-9 triệu đồng.
Trong khi đó, Yến liên tục thay đổi đăng ký kinh doanh, nâng vốn điều lệ của các công ty trên lên hàng trăm tỷ đồng nhưng ông Linh không có tên trong danh sách cổ đông của Công ty Thành Sơn và Công ty Việt Anh.
Tòa xác định bị cáo Yến đã hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt, bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên tuyên phạt năm năm tù. Hai bị cáo còn lại nhận mức án bằng thời gian tạm giam là hai năm chín tháng 17 ngày.
Theo Việt Dũng (VnExpress.net)