Ngày 3-6, VKSND TP HCM cho biết đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam của công an cùng cấp đối với Đỗ Văn Tuấn (SN 1992, quê Thanh Hóa), Nguyễn Huy Hoàng (SN 1998; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM), Phan Phước Thiện (SN 1994, quê Quảng Nam), Mai Ngọc Lượng (SN 1995, quê Thừa Thiên - Huế) và Trịnh Đức Hùng (SN 1978, chủ cơ sở Trường Phát). Năm đối tượng này bị điều tra 2 tội: "Bắt giữ người trái pháp luật" và "Cưỡng đoạt tài sản".
Đỗ Văn Tuấn được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây lừa những cô gái quê nhẹ dạ để bán vào các động mại dâm núp bóng quán cà phê, mát-xa kích dục, karaoke ôm.
Các cơ quan tố tụng xác định từ cuối năm 2018 đến nay đã có hơn 100 cô gái bị bán vào "động quỷ" với giá từ 3-10 triệu đồng, tùy nhan sắc.
Từ lá đơn kêu cứu khẩn cấp...
Đầu tháng 5-2019, bà Nguyễn Thị P. (ngụ quận 7, TP HCM) đã đón xe ôm đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM nộp đơn cầu cứu khẩn cấp.
Trình bày với cán bộ điều tra, bà P. khóc nói con bà là Trần Thị T. bị chủ cơ sở mát-xa Trường Phát (đường Nguyễn Ảnh Thủ, huyện Hóc Môn) bắt giữ và yêu cầu đưa 8 triệu đồng để chuộc con về.
Nhận thấy sự việc vô cùng cấp bách, thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng Phòng CSHS - đã chỉ đạo các đội trinh sát nhanh chóng xác minh đơn tố cáo.
Trong khi Công an TP HCM đang âm thầm vào cuộc thì phía chủ quán, quản lý mát-xa Trường Phát liên tục hối thúc bà P. phải chuẩn bị tiền để chuộc con nếu không muốn chịu kết cục đau lòng.
Lý do phía chủ "động quỷ" thông báo với gia đình là mua T. để kích dục thỏa mãn cho khách nhưng T. lầm lì, không chịu thực hiện công việc được giao.
Hoảng loạn từ tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con, một mặt báo công an, mặt khác bà P. phải vay nóng 8 triệu đồng rồi đi xe ôm lên "động quỷ" Trường Phát để cầu xin tha cho con mình. Khi quản lý Mai Ngọc Lượng vừa nhận 8 triệu đồng từ bà P. thì bị công an bắt quả tang.
Các trinh sát đã mời Mai Ngọc Lượng, Trịnh Đức Hùng, chị T. cùng 6 cô gái khác về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, Trịnh Đức Hùng khai mua chị T. từ nhóm Đỗ Văn Tuấn để phục vụ kích dục cho khách làng chơi.
... Lộ đường dây buôn người số lượng lớn
Đồng bọn của Tuấn khai nhận thông qua mạng Facebook, Zalo, băng này đăng tuyển nhân viên nữ làm việc nhẹ lương cao. Khi các cô gái có nhu cầu làm việc thì liên hệ, trao đổi thông tin qua số điện thoại đăng tải trên mạng hay nhắn tin qua Facebook hoặc qua Zalo.
Từ đây, băng này sẽ yêu cầu các cô gái gửi ảnh, chiều cao, cân nặng và nếu đạt yêu cầu sẽ giới thiệu việc làm. Nhóm này hứa hẹn sẽ trả lương từ 8-15 triệu đồng.
Để tạo lòng tin cho các thiếu nữ, băng này cắt cử một "nữ nhân viên" làm công tác "vận động" nhằm chiêu dụ, đồng thời dẫn đến gặp đối tượng Nguyễn Hoàng Nam tại một căn nhà trên đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM.
Khi các cô gái mờ mắt vì khoản thu nhập hứa hẹn, Tuấn sẽ lệnh cho Tôn Thất Tú (tài xế Grab) chở các cô gái đem bán vào các cơ sở mát-xa kích dục.
Từ lời khai của các đối tượng liên quan, các trinh sát đã ập vào quán karaoke Ngôi Sao Mới (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) mời Phan Phước Thiện về làm việc. Qua đấu tranh, Thiện khai đã thực hiện nhiều vụ bán các phụ nữ vào các cơ sở mát-xa kích dục, karaoke ôm.
Theo Thiện, do làm nhiều vụ trong thời gian dài nên không nhớ đã thực hiện bao nhiêu vụ, chỉ nhớ rành mạch 5 vụ trót lọt. Cụ thể, ngày 24-4, Thiện được Tôn Thất Tú lái xe chở Thiện cùng cô V. đến quán karaoke Ngôi Sao Mới.
Tuy nhiên, quản lý quán chê V. xấu, không nhận nên Tú chở V. về một quán cà phê giao cho Đỗ Văn Tuấn. Ngày 2-5, Tú chở Thiện đưa một cô gái khoảng 30 tuổi đến quán karaoke H.N.M ở quận 7 lấy 3 triệu đồng, đem về đưa Nam và được Nam cho 500.000 đồng.
Đến ngày 5-5, Tú chở Tuấn đưa chị T. vào động mát-xa Trường Phát bán với giá 9 triệu đồng. Nhận tiền, Nam chia cho đồng bọn 5 triệu đồng để ăn xài.
Sau khi Tuấn sa lưới, Thiện cùng đồng bọn nhanh chân trốn về Bình Định chờ tin tức. Lập tức, thượng tá Nguyễn Đăng Nam đã cắt cử một tổ trinh sát đặc biệt ra Bình Định nhưng các đối tượng này đã bay ra Hà Nội ẩn náu.
Tuy nhiên, các trinh sát đã làm việc không kể ngày đêm, nhanh chóng xác định được nơi ở của Thiện cùng đồng bọn ở phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để di lý về TP HCM.
Từ lời khai của Thiện và Tuấn, công an đã ập vào 6 điểm kích dục khác nhau ở TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương, giải cứu hàng chục cô gái trẻ, trong đó có em chưa đủ 18 tuổi.
Ám ảnh những lời kể
"Khi được giải cứu, nhiều cô gái đã khóc nức nở, không ít cô hoảng loạn khi nhắc lại những ngày tháng làm nô lệ tình dục" - một điều tra viên trực tiếp lấy lời khai hàng chục nạn nhân kể.
Theo điều tra viên này, có lẽ lời kể của cô gái trẻ tên N.H (SN 1990; quê Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là ám ảnh nhất bởi khi vừa được đưa ra khỏi động kích dục, H. đã ôm chầm lấy cán bộ và khóc òa lên.
Sau khi hoàn hồn, H. kể cuộc sống của cô những ngày ở động mát-xa như địa ngục trần gian. "Chủ quán cho bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt, chúng thu hết điện thoại, ăn uống kham khổ và sống như ở tù.
Đỉnh điểm có ngày tụi em phải bán dâm tới 18 lần, đi không nổi mà khóc cũng không thành lời. Kinh tởm hơn, những ngày bệnh không tiếp khách được, chủ quán liền chích điện, dùng dao đe dọa khiến các cô gái phải gồng mình phục vụ" - H. kể với điều tra viên.
Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát Hình sự, cho biết Công an TP HCM đã làm việc với 47 người liên quan đến đường dây này để mở rộng điều tra.
"Để tránh bị lừa đưa vào những cơ sở mát-xa kích dục, các cô gái trẻ ở những miền quê muốn ra thành phố có một việc làm ổn định phải liên hệ với các công ty có trụ sở rõ ràng để tìm công việc phù hợp.
Không nên tin vào những chiếc bẫy ngọt ngào trên mạng, những lời hứa có cánh mà bị đem bán lúc nào không hay" - trung tá Mai Thống Nhất khuyến cáo.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM:
Phải truy trách nhiệm cảnh sát khu vực
Tôi rất căm phẫn hành vi lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em để bán vào các cơ sở kích dục phục vụ thú vui bệnh hoạn của những người đàn ông "hám của lạ". Đây là hành vi vi phạm pháp luật, coi thường luân lý và cần phải bị trừng trị thích đáng.
Trong những năm qua, các đoàn, hội, tổ chức ra sức tuyên truyền, chống lại sự ngược đãi phụ nữ, trẻ em. Mặc dù có sự chuyển biến tích cực về suy nghĩ nhưng thực tế rất đau lòng là phụ nữ, trẻ em còn bị coi như một món hàng, bị đưa vào các cơ sở hớt tóc, mát-xa, karaoke kích dục.
Pháp luật sẽ nghiêm trị những kẻ cầm đầu, hoạt động có tổ chức là lẽ đương nhiên nhưng về mặt quản lý hành chính thì cần xem lại trách nhiệm của chính quyền địa phương mà trước tiên là vai trò của cảnh sát khu vực.
Tại sao các động mại dâm trá hình tồn tại trên địa bàn trong thời gian dài mà cảnh sát khu vực không hay biết? Đối với những cơ sở nhạy cảm này tại sao các đoàn liên ngành văn hóa - xã hội địa phương không thường xuyên kiểm tra hành chính?
Nếu làm tốt công tác quản lý hành chính thì sẽ không còn những trường hợp như trên. Công an TP HCM đã rất nỗ lực để giải cứu các em, các cháu nhưng khi giải cứu rồi thì phải xem xét và truy trách nhiệm của các cảnh sát khu vực. Như vậy mới mong chấn chỉnh được thực trạng đau lòng này.
Về phía gia đình, phải nói rằng có những gia đình khi con chưa trưởng thành đã buông bỏ, để con tự bươn chải ngoài đời nên khi con trẻ bị sập bẫy không biết bấu víu vào ai, không biết cầu cứu ai. Những người làm cha, làm mẹ như vậy hãy tự soi xét lại, đừng để khi sự việc quá muộn mới than khóc!
Theo lời kể của H., kinh tởm nhất là những ngày bệnh không tiếp khách được, chủ quán liền chích điện, dùng dao đe dọa khiến các cô gái phải gồng mình phục vụ.
Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)