Tài xế khai do sợ phạt
Chiều 8/7, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ, xem xét xử lý tài xế Lê Xuân Hùng (SN 1984, quê huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Cũng theo vị lãnh đạo, bước đầu tài xế Hùng khai rằng, sau khi thấy CSGT ra hiệu dừng xe do sợ bị phạt và vội đi đón người nhà nên gây ra vụ tông xe và kéo lê cán bộ làm nhiệm vụ.
Sáng cùng ngày, 3 cán bộ Đội CSGT số 4 Công an Hà Nội, trong đó có trung úy Vũ Văn Quang làm việc tại ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng, quận Thanh Xuân. Khi phát hiện ôtô gắn BKS 90A-07135 do Hùng điều khiển vượt đèn đỏ, tài xế sử dụng điện thoại di động nên trung úy Quang ra hiệu dừng phương tiện.
Nhưng tài xế cho ô tô dừng lại một lát rồi bất ngờ nhấn ga, tông thẳng vào Trung uý Quang. Sau đó kéo lê theo chiến sĩ CSGT khoảng 20m, khiến nạn nhân rách cảnh phục, xây xước. Chiếc ô tô chỗ sau đó bị lực lượng chức năng và người dân đuổi theo, chặn lại.
Trung úy Vũ Văn Quang được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai. Hiện, sức khỏe đã ổn định. Kết quả kiểm tra xác định tài xế Hùng không vi phạm về nồng độ cồn.
Đủ cấu thành tội Chống người thi hành công vụ
Về tình huống pháp lý trong vụ việc trên, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, các vụ việc chống người thi hành công vụ thường xảy ra chủ yếu là đối với lực lượng công an đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Khi tài xế Hùng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông nên đã được yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành mà lái xe tông thẳng vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, kéo lê hàng chục mét. Đây là hành vi chống người thi hành công vụ, cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Những vụ án chống người thi hành công vụ được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây là bài học cảnh tỉnh. Khi được lực lượng chức năng kiểm tra thì người dân cần tuân thủ nghiêm. Bởi, nếu bất cứ ai có hành vi chống người thi hành công vụ, các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố hình sự.
Tại Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, mức phạt có thể lên đến 5 triệu đồng nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ... hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Theo Đặng Thủy (Nguoiduatin.vn)